Giao thông tĩnh tại Hà Nội - Bài 2: Quy hoạch bến bãi đỗ xe

09:23' - 16/03/2019
BNEWS Lãnh đạo các ngành chức năng giao thông vận tải, tài chính thừa nhận, kết quả kiểm tra, xử lý đối với vi phạm trong lĩnh vực trông giữ xe chưa được như mong muốn, vẫn còn tình trạng tái phạm sau xử lý
Chiếm dụng gầm đường vành đai 3 trên cao trước tòa nhà VP6 khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) để ô tô, xe máy. Ảnh: Tuyết Mai-TTXVN

Liên quan đến vấn đề giao thông tĩnh, tại cuộc làm việc mới đây với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã bày tỏ bức xúc và yêu cầu các ngành chức năng phải kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý các vi phạm trong dịch vụ trông giữ xe, đặc biệt thu quá giá quy định. Đối với các bãi trông giữ xe vi phạm đến lần thứ 3 thì có thể rút giấy phép vĩnh viễn.

*Mạnh tay xử lý vi phạm

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các ngành chức năng giao thông vận tải, tài chính thừa nhận, kết quả kiểm tra, xử lý đối với các vi phạm trong lĩnh vực trông giữ xe chưa được như mong muốn, vẫn còn tình trạng tái phạm sau xử lý.

Bức xúc trước việc các bãi xe thu giá "chặt chém" người gửi phương tiện, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải xử lý nghiêm đối với vi phạm này. "Có khi gửi xe máy mất tới 200 nghìn, ô tô thậm chí còn có giá 500 nghìn, làm thế là vi phạm đạo đức kinh doanh. Dứt khoát phải kiểm tra, xử lý”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Không phải đến nay, Hà Nội mới có thái độ kiên quyết trong việc xử lý vi phạm trong dịch vụ trông giữ xe. Nhiều năm trước đây, UBND thành phố Hà Nội đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trông giữ xe trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thành phố giao Chủ tịch UBND các cấp thành lập đoàn kiểm tra thường xuyên các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn và xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm, kịp thời giải tỏa các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

Đối với các điểm trông giữ xe không phép, trái phép, kiên quyết giải tỏa ngay; đồng thời thu hồi giấy phép trông giữ phương tiện đã cấp và không thực hiện cấp lại đối với những điểm trông giữ xe đã được cấp phép nhưng vi phạm.

Các địa bàn để xảy ra tình trạng vi phạm quy định về trông giữ xe, Chủ tịch UBND, Trưởng Công an các quận, huyện, thị xã có hình thức xử lý nghiêm đối với Chủ tịch UBND, Trưởng Công an các phường, xã, thị trấn và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về việc chấp hành quy định quản lý trông giữ xe trên địa bàn.

Tuy nhiên, trên thực tế, các địa phương đã nhiều lần ra quân, xử lý nhưng tình trạng vi phạm dịch vụ trông giữ xe vẫn tiếp tục tái diễn. Các vi phạm chủ yếu là không có bảng niêm yết, thu mức phí cao hơn quy định, sử dụng vượt diện tích được cấp phép.

Nhiều điểm trông giữ xe sau khi bị xử lý vẫn tiếp tục tái phạm nhưng đến nay vẫn chưa có lãnh đạo quận, huyện, thị xã nào đứng ra chịu trách nhiệm với thành phố về vấn đề này và cũng chưa có lãnh đạo phường, xã nào bị xử lý trách nhiệm, trong khi vi phạm trong hoạt động trông giữ xe vẫn diễn ra hàng ngày.

*Đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, lượng phương tiện ô tô, xe máy của thành phố Hà Nội hàng năm tăng nhanh, bình quân tăng 15% đối với xe máy, 7- 8% đối với ô tô.

Hà Nội hiện có trên 5 triệu phương tiện các loại tham gia giao thông đã tạo ra áp lực rất lớn lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.

Đặc biệt, mạng lưới giao thông tĩnh (bãi đỗ xe, điểm đỗ xe...) trong khu vực nội đô bố trí chưa hợp lý và còn thiếu.

Hiện nay, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của người dân. Khu vực nội thành còn kém hơn, đất dành cho các điểm, bãi đỗ xe mới chỉ đạt khoảng 0,12% tổng diện tích khu vực.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đồng thời triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm giảm ùn tắc giao thông như: phân luồng, xén vỉa hè, phân làn giao thông, cấm taxi trên một số trục giao thông chính, xây dựng các cầu vượt kết cấu nhẹ tại một số nút giao thông, mở rộng quy mô và phân luồng lại một số bến xe khách...Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông, thiếu chỗ đỗ xe vẫn là vấn đề bức xúc của thành phố.

Để giải quyết nhu cầu điểm, đỗ xe rất lớn của người dân, tháng 12/2018, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Đồ án "Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội.

Đây cũng là căn cứ quan trọng để thực hiện đầu tư xây dựng các bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ đáp ứng các tiêu chí bền vững, đồng bộ, hiện đại.

Đồ án cũng đưa ra kế hoạch, lộ trình đầu tư phát triển mạng lưới giao thông tĩnh của thành phố theo từng giai đoạn đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của các quận, huyện, thị xã đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Tại cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội với Sở Giao thông Vận tải mới đây, phân tích những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên địa bàn, Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an thành phố kiến nghị, lãnh đạo thành phố Hà Nội cần quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị; trong đó, ưu tiên sớm triển khai bổ sung các bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng, các điểm đỗ, đón trả khách cho ô tô du lịch để đáp ứng nhu cầu gửi, đỗ xe của người dân trong khu vực nội đô.

Trong khi chưa kịp đầu tư các bến, bãi đỗ xe theo quy hoạch, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Thanh cho biết, để giải quyết tình trạng quá tải hạ tầng giao thông tĩnh của thành phố, đối với những khu vực bức xúc, thiếu bãi đỗ xe vẫn duy trì một số điểm đỗ, trông giữ phương tiện tạm thời nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân.

Về lâu dài, các điểm đỗ xe tạm sẽ được thay thế bằng các bãi đỗ xe tập trung phù hợp với quy hoạch. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông theo Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND của HĐND thành phố và kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 28/9/2017 của UBND thành phố.

Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt tại khu vực đô thị trung tâm; có các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng để khuyến khích người dân đi bộ hoặc xe đạp…

Giao thông tĩnh tại Hà Nội – Bài 1: Quản lý cách nào?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục