Gìn giữ nghề nón lá làng Chuông

08:33' - 17/02/2018
BNEWS Làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội nổi tiếng cả nước với nghề làm nón lá truyền thống.
Một cụ già chọn mua “vòng cái”, một nguyên liệu dùng để làm nón

Nón làng Chuông có bí quyết và vẻ đẹp rất riêng khiến nón lá nơi đây bền, đẹp, chắc chắn, đó chính là ở đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn của người thợ làm nón.

Theo những người thợ làm nón lâu năm, làm nón có nhiều khâu, nhưng khó nhất là khâu quay nón - khâu quyết định thẩm mỹ của chiếc nón. Khâu này đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, cẩn thận, tỉ mỉ thì chiếc nón mới phẳng, khi quay nón người thợ phải khéo léo để không làm hở chóp, lá được xếp tránh bị cộm.

Ngoài ra, người thợ phải biết cách chọn lá thật trắng, tẽ lá không được để rách, lá được là thật phẳng, không để ngả màu. Tre, nứa làm vành được vót tròn, đều và khi khâu không làm đứt cước.

Điều quan trọng nữa là mũi khâu yêu cầu phải ngắn, lỗ nhỏ thì chiếc nón mới tròn, khít, mịn từ mép lá đến đường khâu. Cái tài của người thợ làng Chuông là các múi nối sợi móc khi khâu được dấu kín và khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy đều tăm tắp những mũi khâu…

Làm xong một chiếc nón, phải lấy diêm sinh để hun cho nón trắng hơn, sau đó phết quang dầu cho nón bóng và không bị mốc, gặp mưa, nắng nón vẫn thẳng, không bị cong, co lại.

Một cụ già khác chọn mua lá lụi

Để chiếc nón đẹp thêm, ngoài các hoa văn, người thợ còn kết hợp trang trí bằng chữ màu hình hoa sao. Cứ thế, bí quyết, kinh nghiệm và kỹ thuật làm nghề cũng như tâm huyết làm nón lá được truyền từ đời này sang đời khác.

Trò chuyện với một nghệ nhân cao tuổi trong làng, được biết khoảng hai mươi năm đổ về trước, nón lá làng Chuông bán rất chạy. Những chiếc nón “xịn” dù bán giá cao vẫn hết hàng. Người tới mua buôn, mua lẻ cứ “nườm nượp”. Nhưng những năm gần đây, lượng tiêu thụ nón của làng có lẽ chỉ bằng 2/3 ngày trước.

Để làm ra một chiếc nón lá làng Chuông “chính hiệu”, người nghệ nhân bình thường sẽ phải bỏ ra nửa ngày, thậm chí là cả ngày, với nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cùng bí quyết riêng của dân lành nghề trong làng. Thế nhưng thu nhập so với công sức bỏ ra quả thực còn rất thấp.

Người buôn nón đang xem kỹ từng sản phẩm.

Một thợ làm nón nhanh nhất cũng chỉ được 2 chiếc/ngày. Mỗi chiếc nón được làm từ những nguyên liệu tốt, tỉ mỉ và khéo léo có thể bán với giá hơn 100.000 đồng. Ngoài ra, những chiếc nón được làm bởi những phụ nữ còn trẻ, khâu khéo cũng có thể bán với giá 70.000 đồng/cái, những chiếc nón mũi khâu kém tinh tế hơn có gía từ 30.000-40.000 đồng.

Thu nhập thấp nên những người trẻ làng Chuông lớn lên với mong muốn “thoát ly” và đa số đều lên các thành phố làm các ngành nghề khác.

Chị Lê Thị Hoạt, một thợ làm nón của làng cho biết: “Mặc dù là nghề phụ, nhưng làm nón mang lại tiền mặt để chi tiêu, trang trải nhiều khoản cho gia đình. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết thanh niên học xong phổ thông đều chọn nghề khác để kiếm sống”.

Chị Mai Thị Thủy, người làm nón cho hay, gia đình chị gồm 3 người, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, trước đây các thành viên trong gia đình cùng tranh thủ khâu nón, nhưng do thu nhập từ làm nón thấp nên chị đã chuyển sang làm công nhân, thu nhập từ 4- 5 triệu đồng/tháng.

“Tuy nhiên, không được như nghề làm nón, làm nghề này phải đi xa, không chăm sóc được gia đình…”, chị Thủy nói.

Những người phụ nữ đang chọn “guột”, một nguyên liệu không thể thiếu trong chiếc Nón Chuông

Là một vùng thuần nông, nghề làm nón lá truyền thống của làng Chuông từng tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, đặc biệt là phụ nữ, vừa lo việc đồng áng, quán xuyến tốt việc nhà, lại có nguồn thu nhập hàng ngày. Nhiều người thợ làm nón hiện nay mong muốn sản phẩm nón lá làng Chuông có thể nâng cao được giá trị để có thể trụ lại với nghề.

Để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, ngày nay các bậc cao niên trong làng vẫn luôn chú tâm truyền dạy nghề làm nón cho con cháu.

Trong căn nhà nhỏ, bà Phạm Thị Nụ, năm nay đã hơn 70 tuổi, mặc dù mắt cũng đã mờ, tay không còn linh hoạt như xưa, nhưng bà vẫn miệt mài chỉ dạy từng đường kim, mũi khâu cho con cháu.

Bà Nụ tâm sự, khi tôi sáu, bảy tuổi đã biết khâu nón một cách thành thạo. Dấu vết nghề nón in hằn trên từng ngón tay của người thợ qua những vết kim đã đen màu theo thời gian.

Đến làng Chuông bây giờ vẫn dễ dàng bắt gặp cảnh trong nhà, ngoài cổng, trước cổng đình, cổng chợ, các bà, các chị, các em nhỏ ngồi quây quần bên nhau khâu nón. Tay làm, miệng nói, những người thợ làm việc trong không khí rôm rả, ấm áp tình làng xóm.

Một góc chợ nón

Nón bán chạy nhất vào những tháng hè, còn mùa mưa tuy bán chậm hơn, nhưng người dân ở đây quanh năm không lúc nào ngơi việc.

Những người thợ già như bà Nụ muốn gìn giữ nghề nón nên bảo ban các cháu nhỏ học nghề.

“Trước đây, trẻ con trong làng hầu như cứ lên 6 - 7 tuổi là đã biết khâu nón, thậm chí biết cầm kim khâu nón trước khi cầm bút học chữ, giờ mà không dạy cho bọn trẻ nữa là coi như mất nghề…”, bà Nụ trăn trở.

Đồng thời, thường xuyên quảng cáo và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để khách thập phương về du lịch, tham quan làng nghề.

Nón làng Chuông đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Nón Chuông”, cùng với việc tăng cường quảng bá sản phẩm làng nghề, huyện Thanh Oai đang xây dựng một tour du lịch các làng nghề; trong đó có nghề nón làng Chuông.

“Hy vọng rằng với những nỗ lực của các cấp chính quyền, uy tín của nón làng Chuông sẽ càng được khẳng định; đồng thời, mở ra cơ hội mới trong việc bảo tồn, phát triển nghề nón”, ông Toàn nói.

Lá lụi trước khi đem ra chợ bán phải vò qua cát và phơi cho chuyển sang màu trắng.

Chiếc nón lá từ bao đời nay đã trở nên gần gũi, thân thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Hình ảnh chiếc nón lá mộc mạc, duyên dáng không chỉ là vật dụng che nắng, che mưa mà còn chứa đựng nét văn hóa làng quê.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, mặc dù nghề làm nón không còn hưng thịnh như xưa, nhưng người dân làng Chuông vẫn âm thầm lưu giữ hồn quê hương qua những sản phẩm chiếc nón lá.

Người buôn nón phấn khởi sau khi mua được những chiếu nón ưng ý.

Chúng tôi dạo quanh ngôi làng cổ để gặp gỡ và trò chuyện với những người phụ nữ đảm đang, khéo tay làm nên những chiếc nón vang danh tại vùng đất “trăm nghề” Hà Nội. Vừa bỏm bẻm nhai trầu, bà Lê Thị Quý vừa ngân nga những vần thơ ngọt ngào, da diết:

“Sao anh không về thăm quê em

Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên

Bàn tay xây lá, tay xuyên nón

Mười sáu vành, mười sáu trăng lên”.

Nụ cười móm mém cùng âm sắc ngọt ngào của bài thơ làm bà Quý hồi tưởng về thời hoàng kim của nón lá làng Chuông, khi cả gia đình quây quần bên nhau khâu nón từ sáng sớm tới đêm khuya.

Bà Quý cho hay, không ai biết chính xác nghề này có từ khi nào, cứ đời trước truyền cho đời sau và cứ thế nghề làm nón duy trì cho đến tận bây giờ./.

Chủ tịch UBND xã Phương Trung, Phạm Văn Toàn cho biết, để thúc đẩy làng nghề, địa phương chủ trương ra nghị quyết hàng năm để tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ gia đình vay vốn với lãi suất ưu đãi, giúp người làm nón mua sắm các dụng cụ, nguyên vật liệu làm nón; tuyên truyền mọi người dân giữ nghề truyền thống và tạo hành lang pháp lý đối với các hộ kinh doanh buôn bán, chuyên chở nguyên vật liệu làm nón từ nơi khác về làng nghề.

>>> Làng nghề truyền thống: Gian nan xây dựng thương hiệu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục