Hàng thủ công mỹ nghệ hướng ra biển lớn

01:30' - 18/10/2015
BNEWS Hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh Ninh Bình đang ngày càng phát triển. 9 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 3,5 triệu USD tăng 40,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Hàng thủ công mỹ nghệ của Ninh Bình hiện không còn bó hẹp tại thị trường nội địa mà đang dần vươn ra biển lớn. Nhiểu sản phẩm áo, váy tơ tằm với họa tiết tỉ mỉ hay bộ ga, gối với đường thêu tinh tế đã có mặt ở thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Mỹ, Pháp. 

Cơ hội dành cho người đam mê 

Nhân công tại doanh nghiệp thêu Minh Trang, Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình vào thời điểm này đang tất bật hoàn thành nốt đơn hàng xuất khẩu váy tơ tằm sang thị trường Đan Mạch. Vừa thoăn thoắt thêu, chị Bùi Thị Hiền (tại doanh nghiệp Minh Trang) vui vẻ cho biết, thoạt nhìn chiếc váy tưởng đơn giản, nhưng để hoàn thiện cũng phải mất khoảng 2 ngày bởi hầu hết công đoạn đều làm thủ công.

Các bộ phận của váy: thân, tay phải cắt từng chiếc chứ không thực hiện đồng loạt như kiểu may công nghiệp. Chi tiết, hoa văn thêu trên váy đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế. "Người nước ngoài họ khó tính lắm, chỉ một lỗi nhỏ là lô hàng cũng sẽ bị trả về." - chị Hiền cho biết. 

Chị Vũ Thị Hồng Yến kiểm tra sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: Hải Yến/Bnews

Tiếp lời chị Hiền, chị Vũ Thị Hồng Yến, Phó Giám đốc doanh nghiệp thêu Minh Trang chia sẻ, nhân công ở đây hầu hết đều ý thức được sự “khó tính” của doanh nghiệp nước ngoài nên rất cẩn trọng, hạn chế tối đa hàng lỗi bị trả về. Doanh nghiệp đang tìm mọi cách đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng cũng như giới thiệu nghề truyền thống này của tỉnh Ninh Bình đến với bạn bè quốc tế. 

Khởi nguồn từ tổ hợp tác xã và bắt đầu thành lập doanh nghiệp năm 2001, đến nay sau gần 14 năm nỗ lực không mệt mỏi, doanh nghiệp thêu Minh Trang đã có được những thành công nhất định. Nhớ về những ngày đầu mới thành lập, chị Yến tâm sự, khi mới lập doanh nghiệp, chị gặp không ít trở ngại, khó khăn: vốn đầu tư, mặt bằng sản xuất và cả bất đồng ngôn ngữ với bạn hàng.

Số vốn ban đầu vẻn vẹn 10 triệu đồng, chị tìm cách xoay xở duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp bằng những hợp đồng nhỏ và trả tiền hàng theo hình thức gối đầu nhưng chủ yếu vẫn bán tại thị trường nội địa. Nung nấu đem mặt hàng truyền thống quê hương giới thiệu đi khắp năm châu đã giúp chị có quyết định khá táo bạo bằng chuyến xúc tiến thương mại đầu tiên ra thị trường nước ngoài là Singapore.

Chị Yến là một trong những doanh nhân của địa phương chịu khó, nhiệt tình tham gia vào hội chợ thương mại do Sở Công Thương Ninh Bình giới thiệu.

Nói về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Quang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Sở Công Thương bông đùa: “Chị Yến chịu khó đi tìm "người yêu" lắm, gặp người này chưa thấy có duyên chị lại tìm đến đối tác khác”. “Người yêu” mà anh Quang nói ở đây chính khách hàng tiềm năng mà chị Yến lặn lội kiếm tìm.

Sự đam mê, quyết tâm đó đã giúp chị Yến thành công như ngày hôm nay. Hiện doanh nghiệp chị Yến là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình về xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Những mặt hàng của doanh nghiệp: chăn tơ tằm, quần áo thời trang, khăn bàn ga gối, đồ lưu niệm… đã có mặt ở nhiều nước trên thị trường thế giới: Nhật Bản, Hàn Quốc, Austrlia, Pháp, Đan Mạch.

Đặc biệt, đơn hàng thị trường Nhật Bản đã chiếm tới 50% tổng đơn hàng. Doanh thu hàng năm đạt khoảng 18 tỷ đồng, giải quyết cho gần 30 nhân viên làm việc thường xuyên với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng.

Để cá nhỏ “bơi” được ở biển

Cái hay của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp tại Ninh Bình là nhìn ra sự cạnh tranh của mặt hàng địa phương khi tham gia vào quá trình hội nhập, từ đó có bước đi phù hợp.

Sản phẩm xuất khẩu làm từ cói của Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến/Bnews

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cho biết, địa phương đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách để phát triển sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ như: Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 9/8/2006 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến cói; thêu ren và chế tác đã mỹ nghệ giai đoạn 2006 - 2010. Nghị quyết số 02/NQ - HĐND phê duyệt Đề án phát triển xuất khẩu Ninh Bình giai đoạn 2011 - 2015. Ngoài ra, tỉnh khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, đào tạo, truyền nghề.

Ông Kiên nhấn mạnh, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ. Các doanh nghiệp được tạo điều kiện mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, giải pháp chính sách thúc đẩy sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như: cói , thêu ren, gỗ mỹ nghệ được chú trọng.

Sở Công Thương phối hợp hiệu quả với các cơ quan của Bộ Công Thương trong việc khai thác và cung cấp thông tin, dự báo tình hình thị trường tới doanh nghiệp. Cơ quan này tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tận dụng được ưu đãi về thuế do các Hiệp định FTA đem lại.

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, 9 tháng năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Ninh Bình đạt trên 727,8 triệu USD tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, thủ công mỹ nghệ là mặt hàng tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này 9 tháng năm 2015 ước đạt 3,5 triệu USD tăng 40,9% so với cùng kỳ năm 2014. Những mặt hàng chủ yếu: mặt hàng lúa, rơm ước đạt hơn 1,02 triệu chiếc tương đương trị giá 873 nghìn USD. Sản phẩm cói khác hơn 456 nghìn sản phẩm với trị giá 714 nghìn USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Hàng thêu ren đạt 306 nghìn chiếc với hơn 2,7 triệu USD tăng 87,5% so với cùng kỳ.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng thủ công mỹ nghệ là Mỹ, Đài Loan, Anh, Nhật Bản. Trong đó, thị trường có kim ngạch cao nhất là Anh ước đạt gần 1 triệu USD./.

Hải Yến 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục