Giới chuyên gia: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định trong năm 2018

08:05' - 15/02/2018
BNEWS Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định, các chuyên gia kinh tế nước ngoài đều đưa ra những dự báo lạc quan nhất cho sự phát triển của Việt Nam trong năm 2018.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

* Tốc độ tăng trưởng ngoạn mục 

Giáo sư Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định, Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển kinh tế ổn định. 

Theo ông Mazyrin, điều này đã được chứng tỏ từ nhiều chỉ số kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 là 6,8%, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong gần 10 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Một thành tựu quan trọng là Việt Nam đã cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Khối lượng đầu tư trong năm 2017 đạt 33 tỷ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2016. Việt Nam thu hút ngày càng nhiều dự án nước ngoài lớn và ngành ngoại thương tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao chưa từng thấy. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2017 ước tính đạt mức 410 tỷ USD, mức thặng dư thương mại sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD.

Cần lưu ý rằng, Việt Nam thực hiện nhanh hơn mục tiêu tổng kim ngạch tăng thêm 100 tỷ USD. Việt Nam đã mất 6 năm để tăng con số này từ 30 tỷ USD lên mốc 100 tỷ USD, và chỉ mất 2 năm để đạt mốc 400 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu.

Một yếu tố quan trọng là nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mô hình tăng trưởng theo chiều rộng với định hướng xuất khẩu. Cùng với mức tăng trưởng gần 12% của ngành công nghiệp chế biến, khu vực dịch vụ của Việt Nam cũng đạt được mức tăng trưởng tốt 7,3%. Hiện nay, ngành dịch vụ càng ngày càng chiếm thị phần lớn của thương mại toàn cầu, và khu vực này đang thu hút sự chú ý lớn. 

Trong khi đó, dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng kỷ lục trong năm 2017, đạt 46 tỷ USD, yếu tố này cũng rất quan trọng đối với sự ổn định kinh tế cũng như mức lạm phát thấp, chỉ có 1,6%. Việt Nam tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Việt Nam đã hoàn thành cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Kết quả của những thành tựu này là Việt Nam đã tăng mấy bậc trong bảng xếp hạng các nền kinh tế phát triển. 

Giáo sư Mazyrin khẳng định GDP của Việt Nam đạt gần 220 tỷ USD, và tính theo GDP ngang giá sức mua thì GDP của Việt Nam đạt gần 600 tỷ USD. Việt Nam đang tiến nhanh tới con số 1.000 tỷ USD. Đây là tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, mà mới gần đây không ai có thể tin được. Kết quả này đạt được nhờ chính sách đúng đắn của ban lãnh đạo đất nước. 

Tuy nhiên, Giáo sư Mazyrin cảnh báo các nhà kinh tế, bao gồm cả các chuyên gia Việt Nam, chỉ ra rằng Việt Nam không thể duy trì trong một thời gian dài những lợi thế hiện nay như nguồn lao động trẻ và lao động giá rẻ. Đất nước cần phải chuyển sang mô hình kinh tế sáng tạo, cần phải tăng năng suất lao động và hiện đại hóa nông nghiệp.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng khác. Đó là việc đẩy mạnh tự động hóa và sử dụng công nghệ robot trong sản xuất tại các nước phương Tây, chủ yếu ở Mỹ. Kết quả là các nước này sẽ không có nhu cầu đặt cơ sở sản xuất ở Đông Nam Á. 

* Xử lý nợ xấu đúng hướng 

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan, cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Moody’s mới đây đã đưa ra báo cáo đánh giá tích cực đối với tín nhiệm của ngân hàng Việt Nam trong quá trình cải thiện chất lượng tài sản. 

Theo nhận định của Moody’s, chất lượng tài sản của hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều đã ổn định trong năm 2017 do những điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực. Khả năng sinh lời của ngân hàng cũng tăng lên nhờ vào hoạt động bán lẻ vốn có lợi nhuận cao, từ đó tạo thêm nguồn lực để các ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro nhằm xóa nợ trước thời hạn. Đây được coi là tín hiệu tích cực đối với lĩnh vực ngân hàng, bởi việc “xóa sổ” những khoản nợ này sẽ giúp cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng, đồng thời loại bỏ đi những viên đá đang đè nặng lên khả năng tài chính của họ. 

Ngoài ra, những khuôn khổ pháp lý được tăng cường như Nghị quyết 42, cho phép các ngân hàng và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhanh chóng thu hồi tài sản thế chấp trong trường hợp khách hàng không có khả năng thanh toán, cũng giúp họ chủ động hơn trong việc quản lý nợ xấu. Kết quả là tổng số trái phiếu do VAMC phát hành tại các ngân hàng được cơ quan này xếp hạng đã giảm vào năm 2017. Đây là lần giảm đầu tiên kể từ khi VAMC bắt đầu hoạt động. 

Các chuyên gia của Moody’s cho rằng mặc dù tại Việt Nam, rủi ro về tài sản vẫn còn ở mức cao đối với một số ngân hàng do nhiều khoản nợ xấu có tính “di sản” lớn, song các ngân hàng đang đi đúng hướng trong việc xử lý nợ xấu.

Theo những chuyên gia này, với một môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, cùng sự trợ giúp của quy định mới như Nghị quyết 42, nhiều ngân hàng khác cũng sẽ đạt tiến bộ trong việc giải quyết nợ xấu trong vòng từ 12-18 tháng tới. Nhìn chung, với lợi nhuận được cải thiện, các ngân hàng hiện đã có khả năng tăng cường các khoản trích lập dự phòng và xây dựng các khoản “đệm vốn” cho những tài sản có vấn đề. Với tốc độ này, sẽ có thêm nhiều ngân hàng có thể trích lập cho toàn bộ số trái phiếu VAMC trước thời điểm cuối năm 2018./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục