Giới chuyên gia lạc quan về tăng trưởng kinh tế châu Á

05:30' - 08/09/2017
BNEWS Nhiều cơ quan phân tích cho rằng tăng trưởng kinh tế châu Á hiện nay phần lớn dựa vào nhu cầu trong nước mạnh mẽ, khả năng chống đỡ rủi ro từ bên ngoài được nâng cao.
Giới chuyên gia lạc quan về tăng trưởng kinh tế châu Á. Ảnh: Reuters

Năm 2017 đánh dấu 20 năm bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á. Trong 20 năm qua tốc độ tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đạt 6,8%/năm, cao hơn các khu vực khác.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gần đây lần lượt công bố báo cáo nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á năm 2017 và 2018.

Riêng ADB trong báo cáo bổ sung “Triển vọng phát triển của châu Á năm 2017” chỉ rõ tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong năm nay có thể đạt 5,9% và năm 2018 đạt 5,8%.

ADB điều chỉnh dự báo là dựa trên tăng trưởng xuất khẩu trong quý I/2017 của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á tốt hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2018 không lớn đã cho thấy ADB giữ thái độ thận trọng đối với tăng trưởng xuất khẩu trong thúc đẩy kinh tế.

Kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada cho biết năm nay các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á có sự khởi đầu tốt đẹp, xuất khẩu cải thiện sẽ thúc đẩy triển vọng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2017.

Mặc dù mức độ phục hồi kinh tế trên toàn cầu vẫn tồn tại nhiều nhân tố không xác định, nhưng ADB cho rằng các nền kinh tế trong khu vực châu Á hoàn toàn có khả năng ứng phó mọi tác động tiềm tàng.

ADB dự báo kinh tế khu vực Đông Nam Á năm nay và sang năm lần lượt tăng 4,8% và 5,0%. Báo cáo dự đoán các nước có mức tăng trưởng khá nhanh trong khu vực này bao gồm Malaysia, Philippines và Singapore.

Tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Nam Á chủ yếu dựa vào nhu cầu trong nước mạnh mẽ, đặc biệt là sự thúc đẩy của tiêu dùng và đầu tư tư nhân.

Báo cáo của IMF cũng dự đoán thương mại toàn cầu đi lên và nhu cầu nội địa được tăng cường, với tăng trưởng kinh tế của 5 nước ASEAN gồm Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines sẽ đạt khoảng 5%.

ADB và IMF đều nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 6,7% trong năm nay và 6,4% trong sang năm. Theo ADB, việc điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc là dựa trên xuất khẩu và tiêu dùng trong nước của Trung Quốc được cải thiện.

Báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương” của IMF chỉ rõ khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh, tuy nhiên, triển vọng cũng có tính không xác định. Xét về lâu dài, châu Á cần phải ứng phó với hai thách thức lớn, đó là sự già hoá dân số và năng suất tăng trưởng chậm.

Trong các nền kinh tế châu Á “tràn đầy sức sống”, trọng điểm cải cách cũng khác nhau. Báo cáo của IMF cho rằng các nền kinh tế phát triển ở châu Á cần tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư cho nghiên cứu phát triển, đồng thời nâng cao năng suất của ngành dịch vụ.

Còn các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển thì cần áp dụng những biện pháp để nâng cao năng lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, mở rộng du nhập công nghệ mới và thúc đẩy đầu tư trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục