Giới chuyên gia: Thuế quan không phải là công cụ chính sách thương mại “sáng suốt”

11:43' - 07/07/2018
BNEWS Phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng việc áp dụng thuế quan không phải là một công cụ chính sách thương mại “sáng suốt”.
Thuế quan không phải là công cụ chính sách thương mại “sáng suốt”.Ảnh minh họa:TTXVN

Theo các chuyên gia, cho đến hai năm vừa qua các loại thuế quan (thuế áp dụng đối với hàng nhập khẩu) đang mất dần vai trò là công cụ của chính sách thương mại quốc gia. Các loại thuế quan phần lớn đều là “di sản” của thế kỷ 19 và 20 mà hầu hết chuyên gia cho rằng có tác động tiêu cực tới tất cả quốc gia liên quan.

Phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng việc áp dụng thuế quan không phải là một công cụ chính sách thương mại “sáng suốt”. Thuế quan làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu và cho phép các nhà sản xuất trong nước có cơ hội tăng giá bán sản phẩm (vì giúp giảm bớt sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu đối với họ).

Thuế quan có tác dụng tích cực đối với các nhà sản xuất trong nước nhưng ảnh hưởng bất lợi tới hầu hết các đối tượng khác. Giá cả gia tăng đặc biệt tác động tiêu cực tới người tiêu dùng và các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất-kinh doanh phụ thuộc vào các thiết bị (linh kiện) nhập khẩu.

Ngoài ra, các nhà kinh tế cho rằng những rào cản thương mại khiến nền kinh tế của các nước hoạt động kém hiệu quả. Trước sức cạnh tranh suy giảm từ các hàng hóa nhập khẩu, các doanh nghiệp không còn nỗ lực sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất như trước.

Tuy vậy, việc Mỹ từ ngày 6/7 chính thức áp mức thuế mới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao, và sau đó Trung Quốc cũng tuyên bố các biện pháp đáp trả thương mại nhằm vào Mỹ lập tức có hiệu lực đang khiến giới kinh tế lo ngại về sự khởi đầu của một cuộc chiến thương mại.

Động thái thắt chặt các biện pháp bảo hộ nằm trong chiến dịch “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump nói trên có thể dễ dàng dẫn tới kết cục trả đũa thương mại, thậm chí châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu, hoặcdẫn tới các cuộc "khẩu chiến" triền miên.

Trước đó, theo nhận định của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) của tập đoàn The Economist, từ đầu năm 2018, chính sách thương mại đang trở thành nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tổng thống Donald Trump đang “đẩy” lập trường chính sách của nước Mỹ theo hướng bảo hộ.

Mức độ leo thang của sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ cũng như tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào phản ứng của một số đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ, trong đó đáng lưu ý là EU và Trung Quốc.

Phân tích của EIU cho rằng việc áp đặt hàng rào thuế quan và phi thuế quan sẽ khó tránh khỏi làm lòng tin của giới doanh nghiệp sa sút, khiến giới đầu tư do dự trước các quyết định rót vốn, ảnh hưởng tới các mối quan hệ ngoại giao và triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Thêm vào đó, làn sóng mới về chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến thế giới khó ứng phó trước những nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong tương lai, xét từ khía cạnh thuế nhập khẩu tăng làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục