Giới doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng vào Tổng thống mới

06:30' - 11/03/2022
BNEWS Doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng rằng tân Tổng thống sẽ có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn và thiết lập mô hình tăng trưởng mới.

Ngay sau chiến thắng của Tổng thống mới đắc cử Yoon Suk-yeol thuộc đảng đối lập chính Sức mạnh Quốc dân (PPP), giới doanh nghiệp Hàn Quốc tỏ ra là đối tượng hào hứng nhất. Họ nhanh chóng đưa ra phản ứng ngay trong rạng sáng ngày 10/3 và bày tỏ kỳ vọng rằng tân Tổng thống sẽ có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn và thiết lập mô hình tăng trưởng mới. 

Tuy nhiên, giới doanh nghiệp cũng không tránh khỏi lo ngại trước thực tế là đảng Dân chủ cầm quyền (DP) kiểm soát đa số ghế trong Quốc hội có thể cản trở những cam kết của tân Tổng thống.          

Kỳ vọng Tổng thống mới đắc cử có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại song song với lo ngại thực tế là đảng DP kiểm soát đa số ghế trong Quốc hội. Theo hãng tin Chosun Biz, Tổng thống đắc cử Yoon Seok-yeol đã đến thăm Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) hôm 7/2 vừa qua và cam kết đổi mới các quy định để hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp mới và cải thiện cuộc sống của người dân. 

Nội dung chính các cam kết của ông bao gồm việc thành lập một cơ quan chuyên trách cải cách quy định, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D) và hỗ trợ thuế trong các ngành mới như xe điện, pin thứ cấp và công nghệ sinh học, đồng thời duy trì quyền biểu quyết đa số cho các công ty liên doanh. 

Đặc biệt, Tổng thống đắc cử Yoon đã tiết lộ ý tưởng áp dụng linh hoạt quy định "Tuần làm việc 52 giờ" theo hướng phù hợp với từng loại hình công việc và đặc thù ngành nghề. Điều này đã được ông đề cập đến trong cuộc gặp với ông Chey Tae-won, Chủ tịch KCCI, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn SK, vào năm 2021. 

Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại rằng có tiền lệ là các chính phủ đều cam kết sẽ dỡ bỏ các quy định, nhưng thực tế lại làm ngược lại trong thời gian cầm quyền, với các quy định ngày càng nhiều thêm. Quốc hội dưới thời chính quyền Tổng thống Park Geun-hye đã đề xuất tổng cộng 1.313 dự luật (từ 25/2/2013-9/5/2017) và thậm chí con số này còn tăng hơn 3 lần, lên đến con số 4.116 dưới thời chính quyền ông Moon Jae-in (10/5/2017-4/3/2022). 

Giới doanh nghiệp Hàn Quốc nhận định việc đạt được sự đồng thuận của Quốc hội là vấn đề mấu chốt đối với tân Tổng thống Hàn Quốc. Hiện tại, số ghế trong Quốc hội khóa 21 của PPP còn kém xa so với DP. Do nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 21 sẽ kéo dài đến ngày 29/5/2024, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol sẽ gặp nhiều khó khăn, ít nhất là trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội hiện nay.

Theo trang mạng EBN, chiến thắng của Tổng thống Yoon Seok-yeol mở ra hy vọng phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn trong nước. Trước đó, ông Yoon Suk-yeol đã đề xuất thúc đẩy việc thành lập các thành phố bán dẫn trong nước, gây quỹ và thành lập các cơ quan liên quan để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Ông cam kết sẽ biến Yongin, Icheon và Pyeongtaek, nơi có Samsung Electronics và SK Hynix, trở thành những thành phố bán dẫn trong tương lai. Ngày 17/2, khi đến thăm thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi, ông nói: "Nếu được bầu làm Tổng thống, tôi sẽ biến Anseong trở thành thành phố bán dẫn đẳng cấp thế giới".   

Trên hết, Tổng thống đắc cử có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn như một phần của chiến lược phát triển quốc gia. Vào tháng 5/2021, ông đã đến thăm Đại học Quốc gia Seoul và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bồi dưỡng nhân tài nghiên cứu lĩnh vực bán dẫn. 

Tân Tổng thống Hàn Quốc ý thức được rằng đảm bảo nhân tài cho các doanh nghiệp bán dẫn đang chuyển sang giai đoạn cạnh tranh toàn cầu. Điều này là do các công ty bán dẫn toàn cầu ngày càng nhận thấy tính cấp thiết của việc đảm bảo nguồn nhân lực trong bối cảnh nhu cầu về chất bán dẫn tăng mạnh do sự tăng tốc của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ thông tin thời kỳ hậu COVID-19. 

Ngoài ra, ông Yoon Suk-yeol nhiều khả năng sẽ quan tâm đến sự phát triển của các ngành vật liệu, phụ tùng, thiết bị và ưu tiên quản lý rủi ro chuỗi cung ứng. Gần đây, sự thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu ngày càng gia tăng do đại dịch COVID-19 và những căng thẳng xung quanh quan hệ Nga-Ukraine. Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol trước đó đã tuyên bố rằng ông sẽ quản lý rủi ro chuỗi cung ứng trực tiếp tại Nhà Xanh. Ông nói: "Nhà Xanh sẽ cân nhắc không chỉ về an ninh quân sự mà cả an ninh kinh tế".          

Ngoài ra, việc thiết lập mô hình tăng trưởng do tư nhân lãnh đạo dựa trên tinh thần doanh nghiệp cũng cần được ưu tiên. Ngay sau khi đắc cử, tân Tổng thống Yoon Suk-yeol đã trao đổi với những người đứng đầu các tổ chức kinh tế Hàn Quốc như KCCI và Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) và thống nhất chủ trương"Hội nhập xã hội, vượt qua khủng hoảng kinh tế, linh hoạt các quy định và hỗ trợ các ngành công nghiệp trong tương lai". 

Chủ trương này được tóm tắt bằng khẩu hiệu: "Hãy sử dụng tinh thần của doanh nghiệp để hỗ trợ mô hình tăng trưởng do tư nhân lãnh đạo". Ông Woo Tae-hee, Phó Chủ tịch KCCI, cho rằng cấu trúc của kinh tế toàn cầu đang thay đổi và bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng, mô hình tăng trưởng mới của Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững. 

Ông Kwon Tae-shin, Phó Chủ tịch FKI, cho biết: "Nhiệm vụ lớn nhất của chính phủ mới là tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân có thể tập trung tạo ra các ngành công nghiệp mới và đổi mới trong công nghệ và kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục