BNEWS
Kể từ khi khách du lịch người Trung Quốc giảm mạnh, các cửa hàng miễn thuế tại Hàn Quốc đã gặp nhiều khó khăn về lợi nhuận khi phải chi trả một khoản lớn cho tiếp thị.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, sau khi tập đoàn Hanwha trả lại giấy phép kinh doanh cửa hàng miễn thuế Galleria hồi tháng 4 vừa qua, mới đây tập đoàn Doosan cũng tuyên bố rút lại các cửa hàng miễn thuế tại trung tâm các thành phố lớn, khiến giới kinh doanh cửa hàng miễn thuế gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù, một thời được ví là "ngỗng đẻ trứng vàng", nhưng kể từ khi khách du lịch người Trung Quốc giảm mạnh liên quan tới việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), các cửa hàng miễn thuế tại Hàn Quốc đã gặp nhiều khó khăn về lợi nhuận khi phải chi trả một khoản lớn cho tiếp thị.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc còn có kế hoạch cấp thêm giấy phép kinh doanh mới cho 6 cửa hàng miễn thuế tại Seoul, thành phố Gwangju và thành phố Incheon cuối năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cửa hàng miễn thuế.
Trong bối cảnh đó, ngày 29/10, tập đoàn Doosan lại thông báo ngừng hoạt động cửa hàng miễn thuế tại tòa nhà Doosan ở Seoul do không cải thiện được lợi nhuận trung và dài hạn. Trước đó, cửa hàng miễn thuế Galleria của tập đoàn Hanhwa tại tòa nhà 63 tầng ở thủ đô Seoul cũng đóng cửa ngày 30/9.
Seoul hiện có tổng cộng 12 cửa hàng miễn thuế, nhiều gấp đôi so với năm 2015. Để bù đắp doanh thu, các cửa hàng này đã phải tăng hoa hồng cho các hãng du lịch Trung Quốc. Từ đó, các cửa hàng lớn vẫn có thể thu lợi nhuận, nhưng các cửa hàng vừa và nhỏ vẫn không tránh khỏi thâm hụt.
Trên thực tế, ba cửa hàng miễn thuế lớn là Lotte, Shilla và Shinsegae đã chiếm hơn 80% thị phần tại Seoul. Quý II vừa qua, cửa hàng miễn thuế Lotte và Shilla có lợi nhuận trên dưới 70 tỷ won (gần 60 triệu USD), song cửa hàng miễn thuế Hyundai và SM lần lượt thâm hụt tới 19,4 tỷ won (16,6 triệu USD) và 730 triệu won (gần 625.000 USD)./.
>>> Hàng xứ Hàn "hút" tiểu thương Trung Quốc