Giới trẻ Australia trước sức ép của suy thoái kinh tế

05:30' - 20/06/2023
BNEWS Đối với thế hệ trẻ ở Australia, suy thoái kinh tế là một thứ gì đó vốn chỉ tồn tại trong sách giáo khoa, tuy nhiên, thực tế là suy thoái kinh tế đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với họ.

Theo Tờ The Sydney Morning Herald, đối với thế hệ trẻ ở Australia, suy thoái kinh tế là một thứ gì đó vốn chỉ tồn tại trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, thực tế là suy thoái kinh tế đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với họ.

Nếu không tính đợt “suy thoái kỹ thuật” vào nửa đầu năm 2020 - quãng thời gian thế giới chìm trong đại dịch COVID-19, Australia là quốc gia chưa từng ghi nhận 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp kể từ năm 1991, thậm chí ngay cả trong giai đoạn diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái lại một lần nữa hiện ra trước mắt khi nhiều nhà kinh tế và ngân hàng nhận định rằng có khả năng Australia sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái.

Hồi tuần trước, các nhà kinh tế của Ngân hàng Commonwealth và HSBC đều đưa ra nhận định cho rằng có 50% khả năng xảy ra suy thoái ở Australia. Tháng 5/2023, Giám đốc đầu tư của AustralianSuper - quỹ hưu trí lớn nhất của Australia - đánh giá khả năng xảy ra suy thoái ở Australia là “rất cao”.

Mặc dù suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng những người trẻ tuổi ở Australia có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn vì đây là nhóm có nguy cơ bị mất việc đầu tiên. Bên cạnh đó, giới trẻ ở Australia cũng ít có điều kiện tích lũy được một khoản tiết kiệm đáng kể để dự phòng.

Trong nhiều thập kỷ, tỷ lệ thất nghiệp ở những người trong độ tuổi từ 15-24 cao hơn mức trung bình đối với tất cả các nhóm tuổi. Nếu xét về dấu hiệu trong hai cuộc suy thoái gần đây mà Australia từng trải qua (cuộc suy thoái năm 1990-1991 và “suy thoái kỹ thuật” vào năm 2020), thì dấu hiệu nổi bật chính là tỷ lệ thất nghiệp tăng đáng kể đối với những người trẻ tuổi (từ 15-24 tuổi) trong thời kỳ suy thoái.

Một năm sau khi xảy ra cuộc suy thoái 1990-1991, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Australia đã tăng 1,8 điểm phần trăm lên 17,5%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tổng thể tăng 1,2 điểm phần trăm lên 10,7% .

Xu hướng này thậm chí còn rõ ràng hơn trong một năm sau khi xảy ra cuộc suy thoái kỹ thuật vào năm 2020. Đa phần những người làm các công việc bán lẻ và khách sạn đã nhanh chóng bị mất việc. Một phần là hậu quả của việc Chính phủ Australia áp đặt các quy định phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là những người trẻ tuổi mặc dù chiếm 14% dân số Australia, nhưng họ phải chịu tỷ lệ mất việc lên đến 55%.

Tác động trên đã tiếp diễn trong một thời gian dài kể từ sau cuộc suy thoái. Một nghiên cứu do Hội đồng Nghiên cứu giáo dục Australia tiến hành vào năm 1998 - vài năm sau khi Australia chứng kiến cuộc suy thoái 1990-1991 - cho thấy suy thoái kinh tế khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh, nhưng tỷ lệ này lại khó hạ và giảm chậm hơn nhiều trong giai đoạn hồi phục kinh tế.

Nhìn cụ thể vào những người trẻ tuổi, những sinh viên tốt nghiệp trong giai đoạn thị trường lao động yếu kém thường gặp khó khăn trong quá trình xin việc và có mức lương thấp hơn so với những sinh viên tốt nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế thuận lợi, và tác động này kéo dài đến cả một thập kỷ.

Nguyên nhân là những lao động trẻ (người mới tốt nghiệp) thường có xu hướng viết sơ yếu lý lịch ngắn hơn, do vậy các công ty sẽ mang lại cho họ ít cơ hội việc làm hơn trong thời kỳ suy thoái. Ngược lại, suy thoái kinh tế có thể khiến những người trẻ tuổi khó tìm được những công việc mà họ mong muốn.

Suy thoái kinh tế là một viễn cảnh đặc biệt đáng sợ đối với nhiều người trẻ tuổi, bởi vì nếu họ không may mắn bám trụ được với một công việc ổn định, họ sẽ ít có khả năng tích góp được một khoản tiết kiệm đủ để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Dữ liệu từ ngân hàng Westpac cho thấy một điều có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên là khi mọi người già đi, số dư tài khoản trung bình của họ cũng tăng lên. Vào năm 2020, những người trong độ tuổi từ 18-24 tiết kiệm được trung bình 5.147 AUD (3.537 USD), trong khi mức tiết kiệm trung bình ở tất cả mọi lứa tuổi là 22.020 AUD.

Một số người trẻ tuổi có điều kiện tài chính vững vàng hoặc được gia đình hỗ trợ sẽ ít lo lắng hơn khi đối mặt với tình cảnh khó khăn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có những lựa chọn đó. Viễn cảnh suy thoái ngày càng trở nên đặc biệt khó khăn đối với những người trẻ tuổi “tự lực cánh sinh” hoặc đang nhận sự hỗ trợ từ chính phủ.

Trong khi cuộc suy thoái vào năm 2020 xuất phát từ một sự kiện khó lường và không thể dự báo trước (hiện tượng “thiên nga đen” - Black Swan) là đại dịch COVID-19, thì những dấu hiệu của nền kinh tế Australia trong năm nay làm gợi nhớ nhiều hơn đến những yếu tố dẫn đến cuộc suy thoái 1990-1991.

Nguyên nhân dẫn đến cuộc suy thoái kinh tế vào thời điểm đó chủ yếu là do Australia nỗ lực hạn chế lực cầu quá mạnh ở trong nước, kiềm chế hành vi đầu cơ trên thị trường bất động sản thương mại và tìm cách giảm lạm phát, kết hợp với các yếu tố bên ngoài như Chiến tranh Vùng Vịnh.

Tương tự, tư tưởng kinh tế và chính trị bao trùm trong năm qua là việc đặt ra mục tiêu kiềm chế lạm phát, với việc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, tức ngân hàng trung ương) đã nâng lãi suất 12 lần trong 13 tháng, nhằm điều chỉnh lãi suất từ mức thấp kỷ lục lên mức cao kỷ lục trong vòng 11 năm. Mức lãi suất thấp kỷ lục vào năm ngoái được cho là yếu tố góp phần gây ra trạng thái dư cầu.

Trong khi lãi suất hiện nay còn cách xa so với mức cao nhất từ trước đến nay là 17,5% (tháng 1/1990), nhưng một số người lo ngại rằng RBA có thể sẽ mạnh tay tăng lãi suất.

Đại dịch COVID-19 đã mang lại cho những người trẻ tuổi cái nhìn sâu sắc rằng suy thoái trên thực tế sẽ như thế nào. Nhưng cuộc suy thoái 1990-1991 có khả năng sẽ tái diễn với hậu quả kinh tế rất nặng nề, đặc biệt đối với những người vừa mới khởi đầu sự nghiệp của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục