Giữ “vị ngọt” cho mía đường - Bài 1: Người trồng mía chưa có niềm vui trọn vẹn

15:12' - 31/03/2025
BNEWS Tình trạng giá cả bấp bênh và thu nhập giảm sút khiến cho người trồng mía không còn “mặn mà” với cây mía. Nhiều nông hộ đã bỏ mía để chuyển sang trồng các loại cây khác

Những năm gần đây, ngành mía đường ở nước ta đã qua cơn “bĩ cực” và dần có sự phát triển ổn định trở lại. Niên vụ 2024-2025, nhiều địa phương ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên có giá thu mua mía nguyên liệu với mức tương đối cao.

Thế nhưng giá trị lợi nhuận mang lại cho người trồng mía một số nơi vẫn còn ở mức thấp; các chính sách đầu tư cho vùng mía nguyên liệu cũng không đồng đều. Thực tế này cho thấy ngành mía đường vẫn cần những giải pháp phát triển thực sự bền vững, nhất là khi thị trường thế giới ngày càng có những yêu cầu khắt khe.

Bài 1: Người trồng mía chưa có niềm vui trọn vẹn

Vụ mía năm nay, đa số nông dân trồng mía phấn khởi vì lợi nhuận khá hơn những năm trước. Tuy nhiên, có nơi, doanh nghiệp vẫn thu mua chậm, thậm chí “ép giá”, khiến công sức cả vụ mùa không mang lại thành quả xứng đáng. Sự chênh lệch trong đầu tư và bao tiêu sản phẩm khiến không ít nông dân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”: tiếp tục gắn bó với cây mía hay tìm hướng đi mới?

 

* Giá mua mía chênh lệch

Gia Lai được mệnh danh là “thủ phủ” của mía đường với diện tích lớn nhất cả nước là hơn 45.000 ha; tập trung tại khu vực phía Đông và Đông Nam của tỉnh. Giá thu mía hiện nay khoảng 1,3 triệu đồng/tấn đối với mía đạt 10 chữ đường (CCS), nông dân có lãi từ 30 - 40 triệu đồng/ha sau khi trừ các chi phí sản xuất.

Nhiều năm qua, cây mía trở thành “cây thoát nghèo” hiệu quả cho người dân địa phương. Việc các nhà máy thu mua mía với giá ổn định đã tạo niềm tin cho người dân gắn bó lâu dài với cây mía.

Hơn 10 năm, gia đình ông Nguyễn Hữu Phúc ở làng Brò, xã An Trung, huyện Kông Chro đã gắn bó với cây mía. Với diện tích 15 ha mía được đầu tư tưới nhỏ giọt, chăm sóc phân bón đầy đủ đưa năng suất đạt hơn 120 tấn/ha, vượt xa mức trung bình trong vùng.

Ông Phúc khẳng định, cây mía rất dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp chỉ khoảng 60 triệu đồng/ha, trong khi lại được nhà máy bao tiêu với giá ổn định. So với cà phê hay hồ tiêu, cây mía là lựa chọn an toàn và hiệu quả cho nông dân.

Nhờ thời tiết thuận lợi cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác nên năng suất cây mía niên vụ này tại tỉnh Phú Yên khá cao, trung bình hơn 70 tấn/ha. Đặc biệt, chữ đường CCS trong cây mía cao nên các nhà máy thu mua với giá ổn định khiến nông dân phấn khởi. Nếu năng suất và chữ đường ổn định, ước tính, nông dân trồng mía sẽ có thu nhập từ 55-70 triệu đồng/ha.

Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) cho biết, mía nguyên liệu hiện được thu mua với giá 1,35 triệu đồng/tấn đối với mía sạch có 10 CCS tại ruộng, cao nhất từ trước đến nay. Đối với những ruộng mía có chữ đường thấp (dưới 9 chữ đường) còn có chính sách bảo hiểm. Nếu mía nguyên liệu dưới 9 chữ đường sẽ được tính giá bằng 9 CCS (tương đương hơn 1,2 triệu đồng/tấn). Đối với mía nguyên liệu đạt trên 10 CCS sẽ được tính với giá cao hơn theo thực tế…

Dẫu giá mía ở mức cao nhưng người trồng mía ở tỉnh Khánh Hòa không khỏi “chạnh lòng” vì một vụ mía “thất bát”. Những năm trước đây với 10ha mía, gia đình ông Lê Phúc Hải (xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Năm nay, thời tiết không thuận lợi kéo “tụt” năng suất mía còn từ 40-50 tấn/ha. Gia đình ông ký hợp đồng bán mía cho Nhà máy đường Cam Ranh với giá 1,2 triệu đồng/tấn đối với mía đạt 10 CCS nhưng sau khi trừ các chi phí thì lãi chẳng còn bao nhiêu.

Người trồng mía cũng chưa thực sự “hài lòng” với việc nhà máy đường đưa ra lý do để giảm giá thu mua mía nguyên liệu. Nhà máy thường đánh giá trữ lượng tạp chất trong mía cao hơn thực tế hoặc hạ thấp CCS để “ép giá”. Chính vì thế, tại tỉnh Khánh Hòa mía nguyên liệu đạt 10 CCS sau khi trừ tạp chất có giá thực tế chỉ từ 1-1,1 triệu đồng/tấn. Các nhà máy ở địa phương này chưa có chính sách “mua bảo hiểm” cho cây mía.

Theo ông Sử Hồng Quốc Tịnh, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây (tỉnh Khánh Hòa), năng suất mía giảm còn 50 - 54 tấn/ha trong khi chi phí đầu tư trồng mía từ phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công và thu hoạch, vận chuyển đều tăng. Các nhà máy đường có những chính sách thu mua khác nhau, đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng mía khắt khe để giảm giá thu mua. Chính vì thế, người trồng mía hầu như không có lợi nhuận.

*Nơi “quay lưng” với mía, nơi mở rộng đầu tư

Tình trạng giá cả bấp bênh và thu nhập giảm sút khiến cho người trồng mía ở Khánh Hòa không còn “mặn mà” với cây mía. Nhiều nông hộ đã bỏ mía để chuyển sang trồng các loại cây khác như: keo lai, sắn… Diện tích mía toàn tỉnh trước đây gần 20.000 ha nay chỉ còn 7.694ha. Tại xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa), cây mía từng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương nhưng hiện tại nông dân đã “quay lưng” với cây trồng này.

Ông Võ Ngọc Phi Vũ, Chủ tịch UBND xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa chia sẻ, thời kỳ đỉnh điểm (năm 2013) xã có hơn 1.600 ha mía, nhưng nay chỉ còn vỏn vẹn 260 ha. Quá nhiều khó khăn trong sản xuất khiến người dân phải giảm diện tích trồng mía để chuyển sang trồng cây khác, thậm chí bán đất.

Diện tích mía còn lại chủ yếu tập trung ở những khu vực gần nguồn nước, có thể chủ động tưới tiêu. Để có thể “kéo” người dân quay trở lại với cây mía, các nhà máy đường cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn. Các khâu trồng và thu hoạch nên được cơ giới hóa để giảm bớt công lao động, đồng thời nâng cao giá thu mua mía để người dân yên tâm đầu tư.

Theo ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, địa phương chưa xây dựng chính sách riêng để khuyến khích người nông dân gắn bó với cây mía và mở rộng diện tích trồng mía mà lồng ghép trong các chính sách của Trung ương và địa phương đang áp dụng trên địa bàn tỉnh như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…

Ở vùng miền núi của tỉnh Phú Yên cây mía luôn có “chỗ đứng”, trở thành cây trồng chủ lực để người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Toàn tỉnh phát triển ổn định hơn 23.000 ha mía mỗi vụ, tập trung chủ yếu tại các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Ðồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) khẳng định, vùng mía nguyên liệu của địa phương dẫn đầu về diện tích và năng suất của tỉnh Phú Yên với hơn 16.000 ha. Mía vẫn là cây trồng chủ lực tạo nguồn thu nhập cho người dân, nhất là vùng miền núi. Do vậy, các cơ quan chuyên môn của huyện tích cực hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng mía, ứng dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt và liên kết bao tiêu sản phẩm nên nông dân yên tâm mở rộng quy mô sản xuất…

Phải làm gì để mỗi mùa mía là “mùa vui”? - đó luôn là câu hỏi khó có câu trả lời để thỏa mãn được tất cả. Với người nông dân, giá cả và chính sách đầu tư luôn là những vấn đề được quan tâm nhất để tránh vòng luẩn quẩn “chặt - trồng; trồng - chặt”. Tình trạng nông dân phá bỏ hàng loạt ruộng mía không còn xa lạ, nhất là khi giá mía thiếu sự ổn định và chi phí sản xuất ngày càng tăng cao. Việc này không chỉ gây thiệt hại cho người trồng mía mà còn ảnh hưởng đến ngành mía đường trong nước, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt vùng nguyên liệu.

Bài 2: Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục