Giúp nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm, an toàn

14:48' - 25/11/2022
BNEWS Điều này sẽ góp phần chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.

Góp phần chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam, ngày 25/11, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Cục Bảo vệ thực vật và Tổ chức CropLife châu Á (CLA) đồng tổ chức hội thảo “Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả hướng đến hệ thống thực phẩm bền vững”.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp đã và đang hướng tới phương thức sản xuất mới theo định hướng sản xuất xanh, sạch, an toàn và bền vững; nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp tối ưu nhất, tích lũy đa giá trị.

Chính vì thế, việc quản lý về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là yếu tố quan trọng nhất. Với việc sản xuất phải có trách nhiệm hơn nữa, nên rất cần xây dựng mô hình chuỗi liên kết chặt chẽ trong vấn đề kiểm soát từ vật tư đầu vào cho đến nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Vì mục tiêu trên, các tiếp cận để cải thiện hệ thống thực phẩm của Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, đồng thời nâng cao nâng cao năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam được nhiều chuyên gia nghiên cứu và thảo luận. Việc phát triển các mô hình quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm, phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam ngày càng được các địa phương,  doanh nghiệp và nông dân quan tâm.

Ông Hoàng Vĩnh Long, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam đánh giá, với sự nỗ lực của toàn hệ thống từ bộ, ngành đến các địa phương đã làm thay đổi khá nhiều thói quen trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy quá trình thực hành sản xuất tốt, xây dựng thương hiệu.

Theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, các mặt hàng nông sản muốn xuất khẩu được phải vượt qua rào cản quy định của thị trường. Đó cũng là động lực để các sản phẩm thực hiện tuân thủ quy trình thực hành sản xuất tốt. Hiện nay, một số hợp tác xã đang được hiệp hội hướng dẫn để sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ.

Đánh giá về vai trò của hóa chất nông nghiệp qua phỏng vấn nông dân của Trung tâm Phát triển nông nghiệp cho thấy, nông dân vẫn phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật và coi đó là đóng góp quan trọng cho đầu ra sản xuất nông nghiệp của họ cả về sản lượng và chất lượng.

Việc nông dân rất ít hoặc chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề dư lượng cũng như cách thức quản lý dư lượng trong khâu canh tác do họ không trực tiếp  nhận được phản hồi về mức dư lượng trên cây trồng của họ từ người thu mua; không có cách để kiểm tra dư lượng mà chỉ quan tâm nhiều đến năng suất, sản lượng và mẫu mã sản phẩm sau thu hoạch… Nông dân vẫn tin rằng họ đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.

Theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi sang các biện pháp thay thế cho thuốc bảo vệ thực vật hóa học đòi hỏi thời gian dài và các nỗ lực chung lớn hơn. Giải pháp quan trọng hiện nay để chuyển sang mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững hơn là nâng cao nhận thức và cải thiện thói quen sử dụng hóa chất nông nghiệp và thực hành canh tác bền vững cho nông dân.

Theo ông Nguyễn Trường Vương, Trưởng nhóm hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm, Tổ chức CropLife Việt Nam, khi tăng cường mối liên kết nông dân với doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ đưa ra được những sản phẩm chất lượng tốt, hướng dẫn sử dụng một cách an toàn hiệu quả có trách nhiệm cho bà con.

Nông dân sẽ có được kiến thức để sử dụng những sản phẩm trên cây trồng và quản lý dịch hại một cách hiệu quả nhất, nhưng vẫn giúp nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục