Gỡ khó cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng

17:13' - 15/03/2022
BNEWS Có 2 khó khăn lớn nhất trong hoạt động của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay là hành lang pháp lý và kinh phí hoạt động.
Nhằm cung cấp thông tin về hiệu quả hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của các tổ chức xã hội, đồng thời nêu các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động này, nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3, Báo Công Thương đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng.

Tại tọa đàm, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Có 2 khó khăn lớn nhất trong hoạt động của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay là hành lang pháp lý và kinh phí hoạt động.

Theo quy định hiện tại, Hội chỉ đóng vai trò tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ người tiêu dùng khi có yêu cầu, chứ không thể chủ động ghi nhận, thu thập giám định chứng cứ, tìm hiểu thông tin hay tổ chức khởi kiện tập thể.

Thế nhưng, do người tiêu dùng Việt Nam hiện nay có tâm lý e ngại đụng chạm, nhẫn nhịn, thậm chí có một số trường hợp bị đe dọa, khủng bố khi có ý định khiếu nại.

Trong khi đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam không có chi phí hoạt động, tất cả thành viên đều đang làm việc không lương. Bởi vậy, khi muốn tổ chức một sự kiện hay hoạt động nào đó thì phải vận động quyên góp tài trợ của các đơn vị, cá nhân hảo tâm.

Không những thế, tại nhiều địa phương, do hạn chế về nhân lực và tài chính nên hoạt động bảo vệ người tiêu dùng mới chỉ lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn.

Ông Hồ Tùng Bách- Phó trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho hay, dịch COVID-19 đã và đang làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan tới việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các cơ quan, tổ chức về bảo vệ người tiêu dùng tiếp tục khẳng định hơn nữa vai trò và sự cần thiết của mình đối với sự phát triển chung của kinh tế và xã hội.

Đáng lưu ý, trong thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát, số lượng phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng có xu hướng gia tăng.

Thống kê cho thấy, năm 2021, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Bộ Công Thương tiếp nhận hơn 13.000 cuộc gọi, tăng hơn 17% so với năm 2020. Số lượng đơn thư khiếu nại được giải quyết tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng là hơn 1.300 vụ việc, tăng 122% so với năm 2019.

Các phản ánh, khiếu nại đều liên quan đến các lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 cũng như sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi, thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng như lĩnh vực thương mại điện tử; hàng không, dịch vụ vận tải và phương tiện vận chuyển.

Đặc biệt, trước xu hướng gia tăng về số lượng phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng, ông Hồ Tùng Bách chia sẻ, trong suốt thời kỳ dịch bệnh, tùy từng giai đoạn đều có những vấn đề nổi cộm.

Chẳng hạn như chính sách và việc thực hiện hoàn hủy vé máy bay tại thời kỳ đầu của dịch bệnh; việc tăng giá bán khẩu trang, nước xịt khuẩn hay như gần đây là các vấn đề liên quan đến giá, nguồn gốc của các bộ kít test COVID-19, thuốc điều trị COVID-19… Đối với những vấn đề này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đều có các giải pháp phù hợp để xử lý.

Theo ông Hồ Tùng Bách, với những vụ việc cụ thể do người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại, Cục đều phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hoặc doanh nghiệp liên quan để kịp thời xử lý, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, thông qua dữ liệu của Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng, Cục đều tổng hợp, phân tích các xu hướng phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng.

Điều này góp phần kịp thời có các cảnh báo, hướng dẫn tới người tiêu dùng hoặc chia sẻ thông tin tới các cơ quan quản lý chuyên ngành, các nhóm doanh nghiệp để có các hành động phù hợp, nâng cao nhận thức và tăng tính minh bạch, rõ ràng trong việc bảo vệ người tiêu dùng đối với các vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 được tổ chức ngày 11/3 vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã phát hành bộ tài liệu hướng dẫn tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới; trong đó, hướng dẫn các thông tin cơ bản để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình thực hiện các giao dịch.

Chia sẻ về vai trò của các tổ chức xã hội - một trong các chủ thể chính, có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam, ông Hồ Tùng Bách cho rằng, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng là nhóm tổ chức xã hội tham gia tích cực, có vị trí và đóng góp quan trọng trong công tác bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam.

Đặc biệt, vai trò của các Hội được thể hiện rõ nét thông qua các hoạt động phản biện xã hội; nâng cao nhận thức xã hội và tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng giải quyết phản ánh, khiếu nại.

Vai trò của các tổ chức xã hội đã được thể hiện rõ ngay từ năm 1999 khi ban hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp sau đó, các văn bản hướng dẫn thực thi Pháp lệnh và sau này là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiếp tục quy định rõ vai trò và hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng.

Hiện tại, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang được xây dựng cũng tiếp tục dành một Chương để quy định về việc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Từ phía Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục luôn xác định rõ các Hội bảo vệ người tiêu dùng trên cả nước là nhóm chủ thể quan trọng, có vai trò đồng hành và phối hợp với Cục trong tất cả các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.

Trong thời kỳ mới, việc bảo vệ người tiêu dùng ngày càng liên quan tới nhiều lĩnh vực, cần đáp ứng nhiều hơn các yêu cầu của phát triển xã hội và nền kinh tế, vai trò của các Hội Bảo vệ người tiêu dùng cần tiếp tục được phát huy và đẩy mạnh, nhất là hoạt động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng văn bản pháp luật.

Cùng với đó là mở rộng nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho xã hội, không chỉ bao gồm pháp luật và kỹ năng tiêu dùng mà cần bao gồm cả văn hóa và trách nhiệm tiêu dùng. Điều này góp phần khẳng định vai trò là “cầu nối” giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trong quá trình thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ghi nhận những khó khăn, thách thức đối với hoạt động của các Hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương tới địa phương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, nhiều chương trình, dự án nhằm từng bước tháo gỡ các khó khăn cho hoạt động của các Hội.

Tuy nhiên, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng nhìn nhận, hiện tại, hoạt động của phần nhiều các Hội vẫn còn khó khăn, cần tiếp tục có sự chia sẻ, hỗ trợ của các chủ thể khác.

Để hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày một tốt hơn, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để phù hợp với thực tiễn.

Đặc biệt, Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được xem là một trong những giải pháp tổng thể, căn cơ nhằm tiếp tục tạo cơ chế chính sách để khuyến khích, phát triển hoạt động của các Hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Ông Hồ Tùng Bách chia sẻ, Dự án đã được chính thức triển khai từ tháng 10/2021. Theo Kế hoạch, Dự án sẽ được trình Chính phủ xem xét vào tháng 6/2022, trước khi trình Quốc hội xem xét vào tháng 10/2022 và thông qua vào tháng 5/2023.

Để đảm bảo hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là hoàn thiện các quy định về tăng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng, trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện nhiều nhóm giải pháp.

Cụ thể, Bộ đã mời đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức hội thảo xin ý kiến các Hội bảo vệ người tiêu dùng trên cả nước, đồng thời, đề nghị Hội chủ trì hoạt động tổng hợp ý kiến của các Hội trên cả nước đối với Dự thảo Luật.

Về nội dung, hiện tại Dự thảo đã và đang hoàn thiện các quy định trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia hiệu quả hơn vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong số đó, tập trung vào một số quy định như: Quy định các điều kiện thuận lợi để tổ chức xã hội tăng cường vai trò trong việc tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng giải quyết khiếu nại, thực hiện các hoạt động đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc xử lý tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mặt khác, quy định cụ thể về nhóm các hoạt động mà cơ quan nhà nước giao các tổ chức xã hội thực hiện khi tham gia bảo vệ người tiêu dùng; hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của các tổ chức xã hội…

Ông Hồ Tùng Bách khẳng định, với sự tham gia trực tiếp và song hành của các Hội cũng như chủ trương, chính sách ủng hộ, tăng cường phát huy vai trò của các tổ chức xã hội vào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ tiếp tục là một trong các công cụ chính để tháo gỡ các khó khăn và định hướng phát triển thống nhất, hiệu quả cho các tổ chức xã hội nói chung và Hội Bảo vệ người tiêu dùng nói riêng tại Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục