Gỡ khó cho đào tạo nghề lao động nông thôn vùng cao

15:14' - 27/06/2017
BNEWS Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là ở vùng cao, các khu vực còn nhiều khó khăn chính là “chìa khóa” tạo bước đột phá trong việc thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững.
Lớp học về điện tại một trường Trung cấp nghề. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Tuy nhiên, với nhiều khó khăn mang tính đặc thù, việc tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong vấn đề này vẫn được coi là một “bài toán khó”, cần những giải pháp lâu dài và mang tính căn cơ.

* Khó khăn đặc thù

Đối với vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu, cũng là thách thức không nhỏ.

Đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế; hạ tầng kém; khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm… là những nguyên nhân mấu chốt của những vướng mắc trong việc đào tạo và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc vùng cao hiện nay.

Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Yên Bái đã đào tạo nghề cho gần 69.000 người. Tuy nhiên, một số tiêu chí đề án đặt ra đã không thể hoàn thành.

Tỷ trọng lao động được hỗ trợ đào tạo ở lĩnh vực phi nông nghiệp chỉ đạt 33%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu của đề án là từ 55-60%. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên dạy nghề còn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu cả về số lượng và cơ cấu ngành nghề.

Trong khi mục tiêu của đề án đặt ra, đến năm 2015, tổng số giáo viên dạy nghề có 540 người, song đến nay, vượt quá mốc thời gian đó đã hơn 1 năm, toàn tỉnh mới chỉ có chưa đầy 400 giáo viên.

Thực tế, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh vùng cao Yên Bái đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Trong đó, một số chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã chưa thực sự vào cuộc. Việc tuyển sinh đối với lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp rất nhiều khó khăn, do tâm lý ngại tham gia học nghề, ngại đi làm xa...

Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết, đối với những huyện vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn và có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Trạm Tấu, việc đào tạo nghề phải gắn chặt với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội của huyện.

Đặc thù đó là gần như tất cả đồng bào sản xuất nông nghiệp; nhận thức của đồng bào là không muốn dời bản đi làm ở xa.

Vì thế, đào tạo nghề nông nghiệp phải được coi là trọng tâm, gắn với tái cơ cấu, từ đó tạo đột phá, nâng cao năng suất trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho đồng bào.

Ông Tuấn tính toán và nêu vấn đề, với huyện vùng cao Trạm Tấu, tâm lý đồng bào không muốn đi làm ở xa, huyện lại không có công ty, doanh nghiệp, việc bố trí việc làm cho số lao động sau đào tạo nghề phi nông nghiệp đối với huyện là thách thức lớn.

Không tạo được việc làm cho lao động sau đào tạo đồng nghĩa sẽ không đạt được hiệu quả trong đào tạo nghề.

* Gắn với nhu cầu thực tiễn

Mặc dù tỷ trọng lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề phi nông nghiệp không đạt mục tiêu của đề án đào tạo nghề nông thôn, song tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề lại cao hơn nhiều, đạt hơn 80% so với mục tiêu đặt ra là từ 50-60%.

Đặc biệt, tại một số huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, hơn 80% lao động được hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội và tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương nên đã mang lại những hiệu quả tích cực, thiết thực giúp đồng bào nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, từ đó tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từ năm 2010 đến nay, huyện Trạm Tấu đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 3.000 lao động. Trong đó, gần 80% số lao động được đào tạo nghề nông nghiệp.

Trên cơ sở nhu cầu học nghề của người dân, huyện đã định hướng và mở các lớp học một số nghề nông nghiệp trọng điểm như: Trồng trọt, chế biến nông sản, chăn nuôi thú y, kỹ thuật trồng nấm...

Năm 2011, huyện Trạm Tấu tổ chức đào tạo thí điểm mô hình kỹ thuật trồng nấm; từ năm 2012, tổ chức nhân rộng mô hình thí điểm chăn nuôi lợn tại xã Hát Lừu, thị trấn Trạm Tấu.

Đến nay, nhiều hộ dân ở đây đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thương phẩm, mỗi năm bán từ 3-4 đợt, thu nhập trên 30 triệu đồng/năm.

Việc gắn đào tạo nghề với nhu cầu và thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội ở huyện vùng cao Trạm Tấu đã giúp đồng bào từng bước nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập. Nhiều hộ gia đình nhờ học nghề đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ đã có thu nhập khá hơn trước.

Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có hơn 50 hộ gia đình có người học nghề đã ứng dụng phát triển các mô hình sản xuất lúa, ngô, chăn nuôi lợn, trâu bò, dê... có hiệu quả, đạt mức thu nhập từ 20-50 triệu đồng/năm.

Mù Cang Chải cũng là một trong số những huyện vùng cao thuộc diện huyện 30a của tỉnh Yên Bái.

Giờ học may của các học sinh trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Diệp Trương - TTXVN

Sau 7 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gần 3.000 người, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp nên tỷ lệ lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng với năng suất, thu nhập cao hơn trước đạt hơn 80%.

40 hộ đồng bào Mông đã thoát nghèo, 110 hộ vươn lên có mức thu nhập khá từ sau khi được đào tạo nghề.

Nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối với các huyện vùng cao, việc gắn kết nhu cầu thực tiễn với cơ sở đào tạo, sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong tuyên truyền cho nhân dân, hỗ trợ kinh phí đào tạo… là rất cần thiết.

Tỉnh Yên Bái đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ đào tạo cho 36.000 lao động nông thôn. Từ những điều kiện kinh tế - xã hội của một tỉnh nông nghiệp vùng cao và từ chính nhu cầu học nghề của người dân, tỉnh cũng đã điều chỉnh một số mục tiêu của đề án.

Theo đó, sẽ tăng tỷ trọng lao động được đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp lên 15% để đạt 55%; giảm tỷ trọng lao động được đào tạo thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp xuống còn 45%; tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề tăng lên 80%.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Yên Bái cho biết, để nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối với đồng bào dân tộc vùng cao,

tỉnh Yên Bái chủ trương sẽ tiếp tục thực hiện phân cấp cho các địa phương căn cứ từ nhu cầu thực tế để đặt hàng đào tạo. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn và dạy nghề miễn phí cho đồng bào.

Ngoài ra, nhân rộng các mô hình sau khi đào tạo nghề đã áp dụng và mang lại hiệu quả. Bên cạnh việc cải cách giáo trình cho phù hợp, nâng cao chất lượng giáo viên,

tỉnh Yên Bái cũng sẽ thúc đẩy kết nối với các doanh nghiệp, tạo việc làm cho lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sau đào tạo nghề./.

Xem thêm:

>>>12.600 tỷ đồng đào tạo nghề lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020

>>>Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục