Tích tụ ruộng đất:- Đi tìm phương thức ưu việt - Bài 4: Đảm bảo quyền lợi nông dân

07:26' - 15/06/2017
BNEWS Mở rộng hạn điền cần phải hiểu như thế nào cho đúng, làm sao để vượt qua nỗi lo cố hữu, rào cản trong tư duy về việc hình thành lớp “địa chủ” mới.
Huyện miền núi Nho Quan là địa phương đi đầu trong việc thực hiện tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông nghiệp. Đến nay, những khái niệm về cánh đồng mẫu, cánh đồng tập trung đã trở nên quen thuộc với bà con nông dân nơi đây. Ảnh: Minh Đức TTXVN

Tại phiên họp thường kỳ đầu tiên trong năm mới 2017 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ chủ trương phải tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đồng thời yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp phải nghiên cứu chính sách, hoàn thành ngay trong quý III tới.

Thông điệp này đã một lần nữa được Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị về lúa gạo tại tỉnh An Giang mới đây như một giải pháp đột phá về thể chế để tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, mở rộng hạn điền cần phải hiểu như thế nào cho đúng, làm sao để vượt qua nỗi lo cố hữu, rào cản trong tư duy về việc hình thành lớp “địa chủ” mới khi đất đai của nông dân được tập trung về tay một nhóm chủ sở hữu.

Đồng thời, làm sao để tích tụ ruộng đất thực sự mang lại hiệu quả cao nhất, hình thành một nền nông nghiệp hiện đại mà nông dân vẫn được hưởng lợi ích tối đa… là những băn khoăn, trăn trở lớn nhất khi đề cập đến vấn đề này với mọi đối tượng, từ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, đến các chuyên gia và với chính người nông dân.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ý nghĩa quan trọng nhất của việc hay đổi chính sách hạn điền là tạo điều kiện thông thoáng cho thị trường quyền sử dụng đất có thể hoạt động.

Từ đó, đất sẽ được chuyển tới những người sử dụng hiệu quả nhất, đưa vào những mục đích sử dụng hiệu quả nhất.

Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Minh Châu, Giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình thuê đất của dân để kinh doanh ở quy mô hiệu quả.

Hiện nay, thị trường đất nông nghiệp hoạt động rất yếu ớt, bởi người nông dân bị gắn chặt vào quy hoạch sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp, thu nhập trên đất nông nghiệp rất thấp. Do đó, giá của đất đai thường được tính theo thu nhập sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp.

"Thay vì bán đất với giá rẻ thì người nông dân sẽ giữ làm tài sản đảm bảo cho an ninh lương thực của gia đình" - bà Châu nói.

Để khắc phục tình trạng khó thuê đất, bà Châu cho rằng, nên khuyến khích các nhóm hộ nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã cùng ký hợp đồng với doanh nghiệp và chịu trách nhiệm chung). Đặc biệt, khuyến khích hộ nông dân làm ăn có hiệu quả được thuê đất và mua đất.

Trên thực tế, đã có nhiều mô hình sử dụng đất (trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp) và phương thức thực hiện tích tụ, tập trung đất đai có hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam, Nghệ An, An Giang...

Để tránh được tình trạng bần cùng hóa nông dân , hay có người lợi dụng đầu cơ để “ phát canh thu tô ”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, cần phải xem xét một cách đồng bộ, nhất quán. Cụ thể, đối với lợi ích của nông dân thì phải có tổ chức hỗ trợ pháp lý cho người nông dân, đặc biệt trong các quan hệ hợp đồng với các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế lớn hơn họ.

Bên cạnh đó, phải tính đến những phương thức để n ông dân c ó thể tập trung ruộng đất với nhau.

Ví dụ, có thể phát triển kinh tế hợp tác, vẫn tận dụng được tính kinh tế theo quy mô mà nông dân cũng không phải mất quyền sử dụng đất của họ. Hay là có thể khuyến khích các hộ chuyển nhượng cho thuê đất lẫn nhau để có mảnh đất lớn hơn, từ đó dễ tham gia kinh tế hợp tác, dễ kêu gọi doanh nghiệp vào hợp tác cùng làm chuỗi giá trị mà vẫn đảm bảo quyền của người nông dân với ruộng đất của họ.

Tuy nhiên, cũng phải tính đến phương án rút dần lao động nông nghiệp, vì quy mô diện tích đất theo hộ của Việt Nam hiện nay quá nhỏ, sử dụng kém hiệu quả mà thu nhập tạo ra từ nông nghiệp không đủ lớn để mọi người thực sự quan tâm.

Do đó, cần phải có "con đường" thoát ra cho lực lượng lao động dôi dư - những người không thiết tha với sản xuất nông nghiệp .

GS.TS. Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, để thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nói chung, chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất nói riêng.

Điều quan trọng theo GS.TS. Trần Quốc Toản là để người nông dân thấy được sự cần thiết và lợi ích của tích tụ, tập trung ruộng đất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đi liền với đó là động viên và hướng dẫn cách làm hiệu quả qua tích tụ, tập trung ruộng đất, khắc phục tâm lý, băn khoăn, e ngại tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ dẫn đến bất ổn về xã hội.

Bên cạnh đó, cần gắn quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, bố trí phân công lại lao động trên phạm vi địa phương. Nhờ đó, mới bảo đảm giải quyết tốt công ăn việc làm cho số lao động dôi dư không còn đất chuyển sang ngành, nghề khác.

Như vậy, cơ cấu lại nền kinh tế nhanh hay chậm sẽ tác động trực tiếp đến tốc độ và quy mô tích tụ, tập trung ruộng đất. Do đặc thù cơ cấu kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương khác nhau, nên tốc độ và quy mô tập trung ruộng đất cũng cần được tính toán cho phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.

Mặt khác, GS.TS. Trần Quốc Toản cũng cho rằng cần hỗ trợ nông dân trong quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, như hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đào lạo lao động, hỗ trợ các khâu dịch vụ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thúc đẩy phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp. Những nơi Nhà nước thu hồi đất cho các dự án, nên tài trợ toàn bộ chi phí đào tạo nghề và chuyển đổi nghề cho người nông dân. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển an sinh xã hội đối với nông dân, giúp nông dân có điều kiện sản xuất, sinh hoạt và hưởng thụ tốt hơn, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Còn GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần phải thiết lập một thị trường lao động chính thức cho những người nông dân rời bỏ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp.

“Tôi cho rằng, một hệ thống chính sách phải đồng bộ kể cả về lao động, về chuyển quyền, kể cả theo dõi quá trình chuyển quyền xem là có chuyện người nông dân bị ép buộc hay không. Một hệ thống chính sách đồng bộ như vậy thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề" - GS Đặng Hùng Võ nói./.

Bài cuối: Tư duy thay đổi

>>>Tích tụ ruộng đất: Đi tìm phương thức ưu việt - Bài 1: “Cởi trói” hạn điền đã chín muồi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục