Gỡ khó cơ chế vốn sớm triển khai cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh

16:56' - 24/11/2023
BNEWS Cao tốc từ Đồng Đăng đến Trà Lĩnh chính là lối mở, đòn bẩy đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, kết nối Cao Bằng với các tỉnh biên giới.

Tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Trà Lĩnh (Cao Bằng) được Bộ Giao thông Vận tải lập quy hoạch có chiều dài 144km, với tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Đây là dự án rất khó khăn cả về địa hình, địa chất, yếu tố kỹ thuật, thủ tục pháp lý, đặc biệt là nhu cầu vốn rất lớn. Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu, khảo sát nhưng đều không quay trở lại, vì thế trong nhiều năm qua dự án vẫn chưa thể triển khai.

 
Năm 2019, tỉnh Cao Bằng đã mời Tập đoàn Đèo Cả về tham gia nghiên cứu triển khai dự án. Quy hoạch ban đầu sau năm 2030 mới thực hiện. Tuy nhiên, tỉnh Cao Bằng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ triển khai sớm trước năm 2030 để có cơ sở nghiên cứu, triển khai dự án.

Doanh nghiệp này đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với hầm xuyên núi cùng cầu vượt thung lũng, rút ngắn chiều dài tuyến xuống còn dưới 100km, giảm tổng mức đầu tư xuống còn khoảng 23.000 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với phương án ban đầu.

Tuy nhiên, tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng trong bối cảnh tỉnh Cao Bằng còn khó khăn, bắt buộc nhà đầu tư đề xuất dự án phải tiếp tục có những giải pháp phân kỳ đầu tư với giai đoạn 1 khoảng 14.000 tỷ đồng để việc thực hiện dự án trở nên khả thi. Lưu lượng thấp là một trong những thách thức lớn nhất khiến rất nhiều nhà đầu tư đã bỏ cuộc.

Với thách thức trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan đã yêu cầu tỉnh Cao Bằng phối hợp cùng nhà đầu tư nghiên cứu điều hướng tuyến nhằm tối ưu bài toán tài chính tổng thể cho phát kinh tế vùng, phải kết nối đến các cửa khẩu, khu kinh tế, dịch vụ.

Có một điểm đáng chú ý đặc biệt, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án “thí điểm” các chính sách PPP (hợp tác công tư) mới. Đây là dự án PPP giao thông đầu tiên thực hiện theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ quy định về lĩnh vực, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư và sau này cũng là dự án đầu tiên thực hiện theo Luật PPP (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020). Nhiều vướng mắc khi các thông tư, nghị định chưa hoàn thiện, thủ tục bị kéo dài nhưng Cao Bằng và nhà đầu tư đề xuất dự án đã kiên trì theo đuổi đến cùng.

Tại Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 15/9/2023 của UBND tỉnh Cao Bằng về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức PPP (dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh) có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 14.331,618 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án 6.580 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách trung ương là 2.500 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 4.080 tỷ đồng.

Tuy nhiên do đặc thù nhu cầu vận tải giai đoạn đầu của dự án chưa cao; tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn tại các Ngân hàng thương mại ngày càng thắt chặt, lãi suất cho vay cao (khoảng 13%) nên gặp khó khăn về thu xếp nguồn vốn tham gia vào dự án dẫn đến phần vốn của nhà đầu tư dự kiến tham gia vào dự án giảm 3.220 tỷ đồng.

Trong khi đó, năm 2021 và 2022 do tình hình dịch bệnh COVID - 19 nguồn thu ngân sách tỉnh không đạt kế hoạch nên UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép bổ sung phần số vốn còn thiếu của dự án từ nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 3.220 tỷ đồng. Việc tăng phần vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án sẽ dẫn đến tỷ lệ tham gia của nhà nước trong dự án lên khoảng 68,38% tổng mức đầu tư nên UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ bổ sung dự án vào danh mục thí điểm trình Quốc hội cho phép áp dụng chính sách số 1 về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP công trình đường bộ không quá 70% tổng mức đầu tư dự án.

Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, để Cao Bằng phát triển, xóa được đói giảm được nghèo, đời sống nhân dân được nâng lên thì không có một cách nào khác đó là phải tập trung vào những tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

“Cao Bằng cần thêm những cơ chế chính sách đủ mạnh để giúp tăng tính khả thi tài chính, hấp dẫn nhà đầu tư, qua đó tổ chức triển khai dự án đảm bảo tiến độ theo quyết định chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Hoàng Xuân Ánh cho hay.

Cần phải nói thêm rằng, việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án đầu tư theo phương thức PPP được chọn thí điểm lên không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án (quy định hiện nay là không quá 50%) nhận được nhiều đồng thuận của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, do đặc thù rủi ro cao của các dự án hạ tầng giao thông, nhà nước cần mở rộng biên độ hỗ trợ về tài chính nhằm tăng khả năng về tài chính của dự án, giúp nhà đầu tư sớm hoàn vốn, nhất là đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với các vùng khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất phương án trình của Chính phủ tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức PPP không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm.

“Điều này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho loại dự án này khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn, tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ, tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện”, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn số 9725 /BKHĐT-PTHTĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình theo hình thức BOT và Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo phương thức PPP.

Tại công văn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng cho phép bổ sung Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong danh mục dự án được áp dụng thuộc chính sách 1 - tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP công trình đường bộ tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư dự án theo đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thống nhất với UBND tỉnh Cao Bằng về việc kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 3.220 tỷ đồng cho dự án tương ứng với phần thiếu hụt và báo cáo Quốc hội cho phép dự kiến từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2026 – 2030.

Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, Cao Bằng nơi có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài hơn 333km, nhưng không có sân bay, cảng biển. Từ Cao Bằng, muốn tiếp cận các trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội lớn của đất nước không có lựa chọn nào khác ngoài hệ thống giao thông đường bộ với hai tuyến Quốc lộ 3 (Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng) và Quốc lộ 4A (Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng), thời gian di chuyển từ 7 - 8 giờ, qua những khu vực địa hình hiểm trở. Những rào cản của hạ tầng giao thông đã khiến Cao Bằng chưa phát huy được tiềm năng xứng tầm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục