Gỡ khó dứt điểm cho bất động sản theo phân cấp thẩm quyền

15:34' - 03/01/2024
BNEWS Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp đã phát huy tốt hiệu quả.

Sau hơn 1 năm thành lập, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp đã phát huy tốt hiệu quả.

 

Hàng loạt chính sách đã được ban hành kịp thời, đóng vai trò quan trọng “trợ lực” giúp các dự án, doanh nghiệp và thị trường vượt khó. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Tổ trưởng Tổ công tác Chính phủ cho rằng, để chính sách phát uy hiệu quả cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cấp, ngành và sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Thời gian tới, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường, doanh nghiệp, dự án bất động sản theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nguyên tắc khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào, cơ quan nào thì cấp đó, cơ quan đó phải giải quyết dứt điểm.

Năm 2023 ghi nhận nhiều dự án bất động sản tại các địa phương cơ bản đã được giải quyết, tháo gỡ nút thắt quan trọng. Điển hình như Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu. Hiện Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án.

Tương tự, Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án, tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu; trong đó có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác và 39 dự án qua rà soát của địa phương.

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, trong tổng số 189 kiến nghị tại 148 dự án đang gặp vướng mắc, thành phố chỉ đạo các sở, ngành giải quyết được 52 kiến nghị tại 44 dự án. Cụ thể như, đồng ý cho chủ trương bán 50% sản phẩm căn hộ tại Dự án Shizen Home của Gotec Land ở quận 7; Dự án Celadon City của Gamuda Land ở quận Tân Phú; Dự án The Metropole của Quốc Lộc Phát ở Tp. Thủ Đức; tháo gỡ vướng mắc về điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Dự án Metro Star của CT Group ở Tp. Thủ Đức…

Đối với các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc dự án bất động sản do doanh nghiệp trực tiếp gửi UBND Tp. Hồ Chí Minh hay do Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ chuyển đến, đa phần đều nằm trong 189 kiến nghị tại 148 dự án mà Hiệp hội bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) đã tổng hợp, kiến nghị UBND thành phố thời gian qua.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổ công tác đã làm việc lần lượt với nhiều địa phương trong điểm như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định. Trong số đó có một số địa phương như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tổ công tác đã tổ chức nhiều cuộc làm việc.

Cùng đó, Tổ công tác đã là việc với một số doanh nghiệp bất động sản để nghe báo cáo, nắm thông tin, tình hình và rà soát đến từng dự án bất động sản cụ thể để trao đổi, hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Sau các buổi làm việc, Tổ công tác đã ban hành nhiều Thông báo kết luận đối với từng địa phương như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Tổ công tác đã nhận được 138 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án bất động sản.

Theo đó, có 8 văn bản của 6 địa phương; 115 văn bản của 73 doanh nghiệp; 2 văn bản của Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh và 13 văn bản của người dân.

Tham gia Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã ban hành 37 văn bảnhướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án... cho các địa phương gồm: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Sơn La, Thái Bình, Bình Định…

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có 4 văn bản và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có 2 văn bản hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo đề nghị của Tổ công tác.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thiếu Hoa – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinhomes nhận xét, năm 2023, khó khăn của doanh nghiệp bất động sản đến từ nhiều hướng với nhiều lý do, ngoài thủ tục hành chính còn có vướng mắc về vốn tín dụng…

Các doanh nghiệp trông đợi vào sự hỗ trợ chính sách quyết liệt từ Chính phủ, bộ ban ngành; đặc biệt là Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp - ông Hoa cho hay.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng chia sẻ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong xây dựng năm 2024 là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư xây dựng và thị trường bất động sản.

Đồng thời, sẽ ưu tiên xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật về lĩnh vực xây dựng; trong đó, tập trung bám sát chương trình của năm 2024 với mục tiêu đảm bảo chất lượng, tiến độ, cải cách thủ tục hành chính và tạo thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục