Gỡ khó thực hiện các nghị quyết trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lai Châu

22:35' - 27/08/2021
BNEWS Chiều tối 27/8, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức buổi làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nghị quyết, đề án, chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.

Chiều tối 27/8, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức buổi làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nghị quyết, đề án, chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và trao giấy Chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu đợt 1 năm 2021.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đặng Văn Châu đã trình bày tổng hợp nội dung trả lời các khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của UBND các huyện, thành phố liên quan đến việc thực hiện các chính sách nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các ý kiến tập trung vào phân cấp liên kết, quy trình, thủ tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND về việc quy định chính sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021- 2025; Nghị quyết 38/2019/NQ-HĐND thông qua đề án phát triển cây dược liệu  giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu...
Thảo luận tại buổi làm việc, đa số đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm tham mưu, ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục thực hiện nghị quyết, đặc biệt là quy trình xây dựng, phê duyệt dự án và thủ tục giải ngân vốn để địa phương thực hiện đúng theo quy định.

Đồng thời, tỉnh cần có quy định về mức giá hỗ trợ chung cho các giống cây trồng vật nuôi trên địa bàn để các huyện chủ động triển khai thực hiện; cần có những chính sách đặc thù để các huyện, thành phố phát triển các cây nông nghiệp thế mạnh, cũng như tìm đầu ra bền vững cho các sản phẩm.
Ông Đồng Văn Liệt, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho rằng, các huyện chưa khai thác hết tiềm năng của địa phương để phát triển sản phẩm OCOP nên cần trao đổi thông tin với nhau để phát triển các sản phẩm phù hợp với lợi thế từng vùng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư ký kết hợp đồng với huyện, hướng tới xây dựng các sản phẩm OCOP đặc trưng địa phương.
Ông Lò Văn Hương, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cần đơn giản hóa các quy định, chẳng hạn như không quy định kích thước lồng cá quá chi tiết theo chiều ngang, chiều rộng để người dân dễ thực hiện, chỉ cần yêu cầu vật liệu lồng và quy định kích thước tối thiểu. Đối với việc nuôi ong mật, sở không nên quy định rõ ràng vật liệu nuôi phải bằng gỗ, bởi đối với người đồng bào dân tộc Mông có thể nuôi trong đất…
Đại diện UBND huyện Tân Uyên nhấn mạnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã vào đầu tư gặp khó khăn trong thủ tục thuê đất, thuê rừng. Thời gian tới, UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư tích tụ đất đai để triển khai thực hiện dự án phát triển nông nghiệp.

Hiện việc thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp và người dân chưa chặt chẽ, nhất là việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu mua phân loại quả, giá thành bấp bênh... nên người dân không thực hiện liên kết theo thỏa thuận đã ký.
Cũng tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu Đặng Văn Châu đã công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu đợt 1 năm 2021.

Theo đó, hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp đã tổ chức đánh giá, phân hạng 15 sản phẩm của 8 chủ thể trên địa bàn 3 huyện Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ. Kết quả đánh giá có 13 sản phẩm của 6 chủ thể đạt 3 sao gồm: ổi, bưởi, nhãn Quang Lê, gạo nếp khẩu hốc, gạo nếp tan co giàng, gạo khẩu ký Tân Uyên, cá tầm cắt khúc, cá hồi phi lê, trà cổ thụ Putaleng, ruốc cá hồi, cá tầm cắt khúc Dương Yến, mật ong Tam Đường. Một sản phẩm đạt 2 sao và một sản phẩm xin rút hồ sơ để tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp.
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có 60 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, 9 sản phẩm đạt 4 sao và 51 sản phẩm đạt 3 sao.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng khẳng định, 6 nghị quyết về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp được ban hành trong thời gian qua là "xương sống" tạo đà cho sự phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh Lai Châu. Quan điểm của UBND tỉnh Lai Châu là triển khai theo hướng phân cấp để chủ tịch UBND cấp huyện tự quyết định.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đề nghị, các sở, ngành liên quan cần sớm tham mưu các văn bản hướng dẫn ngắn gọn trong việc triển khai các nghị quyết, chính sách hỗ trợ. Tất cả các chính sách hỗ trợ phải được triển khai theo chế độ hậu kiểm, phải có sản phẩm đầu ra, tránh việc trục lợi chính sách. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải triển khai hiệu quả các nghị quyết, chính sách hỗ trợ, qua đó phát huy các sản phẩm thế mạnh địa phương.

Mặt khác, giao chỉ tiêu phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh cho các địa phương, đảm bảo tốt chất lượng đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, chất lượng có sức cạnh tranh cao...
Dịp này, UBND tỉnh Lai Châu đã trao giấy chứng nhận và tặng bằng khen cho 6 chủ thể với 13 sản phẩm có thành tích tiêu biểu trong triển khai chương trình OCOP tỉnh Lai Châu đợt 1 năm 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục