Gỡ khó trong giải phóng mặt bằng các công trình truyền tải - Bài 1: Đâu là những điểm nút?

12:17' - 01/03/2019
BNEWS Chế độ, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng chưa nhất quán và nhiều thay đổi... là yếu tố gây cản trở lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án.
SPMB tháo gỡ vướng mắc để thi công đường dây 220kV Long Phú - Cần Thơ - Trà Nóc. Ảnh: TTXVN

Ban Quản lý dự án các Công trình Điện miền Nam – SPMB (Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT) cho biết, việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) có tính đặc thù rất phức tạp do ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, hộ gia đình và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công, hoàn thành công trình.

Công việc này cũng thường xuyên phải tiếp xúc với rất nhiều thành phần từ người dân đến các cơ quan, đơn vị như: chủ tài sản, chính quyền địa phương các cấp.

Theo SPMB, có rất nhiều văn bản quy định của Nhà nước liên quan đến bồi thường GPMB được ban hành song song với nhau. Cùng một nội dung công việc, cùng Nghị định, Thông tư… nhưng triển khai tại mỗi địa phương lại khác nhau và có những nét đặc thù riêng.

Bên cạnh đó, chế độ, chính sách bồi thường GPMB cũng chưa nhất quán và nhiều thay đổi, có khác biệt về đơn giá bồi thường giữa các tỉnh thành, địa phương liền kề là yếu tố gây cản trở lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ bồi thường GPMB các dự án.

Trong khi đó, nhiều địa phương không cập nhật kịp biến động đất đai khi người dân sang nhượng, mua bán bằng giấy tay… nên mất nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc. Việc thoả thuận hướng tuyến trên Bản đồ 1/25.000 không thể hiện rõ chi tiết từng thửa đất. Sau khi tiến hành đo vẽ địa chính, tuyến đường dây bị trùng lắp với các dự án khác của địa phương phải điều chỉnh lại hướng tuyến làm chậm tiến độ công trình.

Luật Đất đai số 45/2013/QH13; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chỉ quy định việc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc; cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp không chấp hành quyết định kiểm đếm bắt buộc; không chấp hành quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền thì tiến hành cưỡng chế kiểm đếm; cưỡng chế thu hồi đất.

Tuy nhiên, hành lang an toàn đường dây cao áp trên không thì không thu hồi đất, chỉ hỗ trợ hạn chế khả năng sử dụng đất, do đó khi có trường hợp người dân không hợp tác cho kiểm đếm, không cho kéo dây, không cho phát quang cây trồng và không di dời nhà ra khỏi hành lang an toàn (đối với cấp điện áp 500kV), không cải tạo nhà (đối với cấp điện áp 220kV) thì không thể cưỡng chế để thi công. Do đó, hiện nay, một số địa phương rất ngại tổ chức bảo vệ thi công vì không có quy định cụ thể, rõ ràng.

Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện; trong đó có một số quy định khó thực hiện và không được sự đồng thuận của người dân bị ảnh hưởng dự án. Các quy định này sẽ gây mâu thuẫn giữa 2 chủ sử dụng đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng đất.

Cụ thể, chủ sử dụng đất thứ nhất có 100% đất cây lâu năm được hỗ trợ hạn chế khả năng sử dụng đất là 30% (Khoản 2, Điều 19, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP). Chủ sử dụng đất thứ 2 (giáp ranh với chủ sử dụng đất thứ nhất) có thửa đất trồng cây lâu năm trong thửa đất đó và có đất ở. Căn cứ Điểm c, Khoản 1, Điều 19 thì khi hành lang an toàn chiếm dụng diện tích đất trồng cây lâu năm của chủ sử dụng đất thứ 2 thì được hỗ trợ 80%. Lúc này, việc hỗ trợ hạn chế khả năng sử dụng đất của 2 thửa đất liền kề có cùng mục đích sử dụng chênh lệch đến 50%. Việc này rất khó khăn trong công tác vận động người dân.

Tại khoản 3, điều 51 của Luật Điện lực: “không cho phép tồn tại nhà ở, công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 500kV trở lên”…. Các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chưa quy định rõ loại nhà và vật kiến trúc nào phải di dời, nên các loại công trình phụ như chuồng trại chăn nuôi, chòi giữ vườn, nhà kho, chòi ghe…. đều phải di dời.

Để giải tỏa và cải tạo nhà cửa vật kiến trúc đồng thời phát quang hành lang an toàn Ban Quản lý dự án phải báo cáo UBND tỉnh và huyện chỉ đạo UBND các xã thành lập các tổ vận động (là thủ tục bắt buộc để tiến hành cưỡng chế) nhưng hiện nay các chi phí cho thực hiện vận động vẫn phải quyết toán vào chi phí quản lý dự án.

Theo ông Đoàn Tấn Phong, Giám đốc SPMB, cây trồng lâu năm đang ở chu kỳ đầu tư hoặc đang ở thời kỳ thu hoạch thì giá trị hiện có của vườn cây được bồi thường theo giá quy định của địa phương. Giá bồi thường đôi khi không bằng giá trị một lần thu hoạch, do đó người dân không nhận tiền bồi thường và khiếu kiện kéo dài.

Thi công công trình Vĩnh Tân rẽ Sông Mây - Tân Uyên. Ảnh: TTXVN

Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng dự án đã nhận tiền bồi thường nhưng không tháo dỡ, di dời nhà ra khỏi hành lang an toàn đường dây do không có quyết định thu hồi đất nên nhiều địa phương lúng túng không biết dựa vào cơ sở pháp lý nào để cưỡng chế.

Về chính sách tái định cư cũng có những khó khăn nhất định. SPMB cho rằng, đối với hành lang an toàn cấp điện áp 500kV phải giải tỏa di dời nhà, công trình đến nơi ở mới nhưng không thu hồi đất nên người dân có nhà bị giải tỏa không đủ kinh phí mua đất xây dựng lại nhà mới, đặc biệt là những hộ đang ở mặt đường. Những trường hợp chỉ có nhà ở hay không có đất canh tác liền kề sau khi giải tỏa di dời đi nơi khác, phần nền nhà không sử dụng được. Việc này gây thiệt thòi rất lớn cho người dân.

Mặt khác, ý thức chấp hành chính sách pháp luật của người dân chưa cao. Một số trường hợp cố tình trồng cây, cất nhà sau khi Hội đồng bồi thường địa phương đã kiểm đếm nhưng yêu cầu phải được bồi thường, cố tình gây khó khăn và đòi hỏi bồi thường ngoài quy định. Đồng thời cản trở không cho thi công dẫn đến tranh chấp quyền lợi, kéo dài thời gian gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành theo kế hoạch.

Trong khi đó một số địa phương chưa quyết liệt xử lý các vướng mắc hoặc xử lý chưa thấu tình đạt lý dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện nhiều cấp, gây bức xúc đối với các hộ dân bị ảnh hưởng dự án.

Ngoài ra, một số địa phương chưa thống nhất chủ trương, chính sách bồi thường ngay từ khi triển khai dự án. UBND tỉnh phải nhiều lần bổ sung chính sách bồi thường khiến người dân thắc mắc và tạo cho người dân tâm lý càng làm khó thì càng nhận được nhiều tiền bồi thường./.

Bài 2: Làm gì để tháo nút thắt?

>>> Giải pháp nào tăng năng suất lao động trong ngành truyền tải điện?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục