Giải pháp nào tăng năng suất lao động trong ngành truyền tải điện?

10:45' - 18/02/2019
BNEWS Để nâng cao năng suất lao động, công ty đã chú trọng đào tạo chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, thí nghiệm, sửa chữa là công việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, cần phải cập nhật kiến thức mới.
Ngành truyền tải có tính chất công việc phức tạp và nguy hiểm. Ảnh: Mai Phương

Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải - NPTS (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT) cho biết, việc cắt điện trên lưới truyền tải điện ngày càng khó khăn dẫn đến việc công ty mất chủ động trong việc bố trí nhân lực và trang thiết bị thi công.

Địa bàn hoạt động của công ty rộng trên cả nước và tính chất công việc phức tạp, nguy hiểm, khu vực làm việc đều có thiết bị mang điện xung quanh. Việc bố trí nhân lực giám sát an toàn điện ảnh hưởng lớn đến nguồn nhân lực trực tiếp thi công.

Để nâng cao năng suất lao động, công ty đã chú trọng đào tạo chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, thí nghiệm, sửa chữa là một công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, cần phải cập nhật kiến thức mới cho người lao động, kết hợp với thực hành ngay tại hiện trường.

Cùng với đó, NPTS đã xây dựng phần mềm online phục vụ học tập và sát hạch qui trình an toàn điện nhằm nâng cao nhận thức về công tác an toàn điện.

Công ty đã chủ động làm việc với các hãng Siemens, ABB, NARI…về các khóa đào tạo cho lực lượng làm thí nghiệm, sửa chữa hệ thống điều khiển bảo vệ, thiết bị nhất thứ…nhằm xây dựng chương trình đào tạo có hiệu quả và sát với thực tiễn.

Riêng năm 2018 vừa qua, NPTS đã tổ chức 6 khóa đào tạo chuyên sâu về rơ le, về máy biến áp, hệ thống điều khiển máy tính với Siemens, Nari, SEL, Toshiba, Tổng Công ty lưới điện Liên bang Nga.

Với một đơn vị mới thành lập, hiệu quả công việc được đánh giá qua số lượng và chất lượng công việc nên công ty đã tổ chức, sắp xếp lại lao động theo hướng ưu tiên tối đa lao động làm sản xuất trực tiếp.

Nhiều lao động làm gián tiếp đã được sắp xếp và được đào tạo lại để chuyển sang sản xuất trực tiếp.

Công nhân kiểm tra, bảo dưỡng trang thiết bị. Ảnh: Mai Phương

Việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho các Trung tâm đã thúc đẩy tính chủ động và sáng tạo của các Trung tâm dịch vụ kỹ thuật trong việc phối hợp với các đơn vị hoàn thành khối lượng công việc được giao với thời gian ngắn nhất và chất lượng cao nhất.

Bên cạnh đó, công ty luôn ưu tiên chi phí cho việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ trang thiết bị hiện có, các thiết bị hư hỏng, qua đó đảm bảo cho các thiết bị luôn sẵn sàng làm việc tốt.

Từ khi toàn bộ công tác thí nghiệm sửa chữa trong EVNNPT được qui về một mối, đã nhanh chóng phát huy được sức mạnh tập thể từ 4 Trung tâm dịch vụ kỹ thuật đặt tại 4 thành phố lớn của cả nước là: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Tp. Hồ Chí Minh.

Các Trung tâm đã hỗ trợ lẫn nhau về nhân lực và thiết bị để đảm bảo tất cả công việc trên toàn hệ thống luôn được đáp ứng kịp thời, an toàn và tin cậy.

Ngoài ra, ngay từ khi mới thành lập, công ty đã ban hành các qui định nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc, như: qui định chấm điểm hàng tháng cho các đơn vị, qui định phân phối tiền lương dựa trên chất lượng, tiến độ cung cấp dịch vụ kỹ thuật từ các khâu chuẩn bị: lập kế hoạch, tiến độ đến thi công, phối hợp các đơn vị và nghiệm thu, thanh quyết toán…

Từ đó, đơn vị sẽ được hưởng mức tiền lương theo đúng kết quả công việc, do vậy đã thúc đẩy được sản xuất, đặc biệt là lực lượng có tay nghề và trình độ. Đây chính là những giải pháp cơ bản để tăng năng suất lao động trong ngành truyền tải điện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục