Gỡ “nút thắt” công nghệ cho ngành năng lượng tái tạo Việt Nam

10:46' - 26/10/2024
BNEWS Quá trình chuyển dịch năng lượng không chỉ liên quan đến việc thay đổi nguồn cung cấp năng lượng mà còn bao gồm các cải tiến trong công nghệ, chính sách, hạ tầng và thói quen tiêu dùng năng lượng…

Chuyển dịch năng lượng là quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống như nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, than đá, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo và sạch hơn như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối, năng lượng địa nhiệt và các nguồn năng lượng sạch khác. Quá trình chuyển dịch năng lượng không chỉ liên quan đến việc thay đổi nguồn cung cấp năng lượng mà còn bao gồm các cải tiến trong công nghệ, chính sách, hạ tầng và thói quen tiêu dùng năng lượng…

Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng, các nước trên thế giới cam kết bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính theo lộ trình tại các Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, việc tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo là vấn đề thực sự cấp bách. Xu hướng xanh, sạch, thân thiện môi trường là trọng tâm chính sách phát triển năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam những năm gần đây. Tuy nhiên, quá trình phát triển, công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa đang là một trong những “nút thắt” của ngành năng lượng tái tạo Việt Nam.

*Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Hướng mắt nhìn lên cánh quạt điện gió cao hơn 100m đang chầm chậm quay giữa cái nắng, cái gió không nơi đâu tại Việt Nam có được, anh Nguyễn Tấn Nhựt, công nhân trang trại điện gió Phú Lạc thuộc Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) nói: “Các anh chị đừng nhìn nó quay chậm mà nghĩ là không hiệu quả nhé. Trung bình mỗi phút, quạt sẽ quay được 20-25 vòng; khu vực gió mạnh có thể lên tới 60 vòng. Lượng điện thu được có thể lên tới hơn 50kW đấy ạ”.

 

Chia sẻ về tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Bình Thuận, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận (BWEA) cho biết: Huyện Tuy Phong là nơi có tốc độ gió trung bình năm từ 7 đến 9 m/s, một mức gió lý tưởng để sản xuất điện gió. Gió ở đây thổi mạnh và ổn định quanh năm, đặc biệt trong mùa khô.

Bên cạnh đó, nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Thuận có số giờ nắng trung bình từ 2.700 đến 3.000 giờ/năm, rất thuận lợi cho các dự án điện mặt trời. Cường độ bức xạ mặt trời cao, mang lại khả năng sản xuất điện ổn định. Bình Thuận cũng có nhiều vùng đồi trống và các bãi đất trống lớn, ít dân cư, giúp dễ dàng bố trí các trang trại gió và mặt trời mà không ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh.

Quá trình phát triển năng lượng tái tạo tại Bình Thuận, do tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, điện gió và điện mặt trời đang gặp một số khó khăn về chi phí lắp đặt, vận hành, thiết bị, phụ kiện, chuyên gia… Do đó, năng lượng tái tạo tại Bình Thuận cũng như tại một số tỉnh, thành phố có điều kiện thuận lợi hiện chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo ông Bùi Văn Thịnh, Việt Nam có năng lực phát triển sản xuất một số thiết bị điện gió như trụ tháp, cánh quạt và một số bộ phận kỹ thuật khác. Tại Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình, một số thiết bị cho điện gió đã được công ty tự sản xuất hoặc mua của các nhà cung ứng trong nước như trụ tháp, hệ thống điện tử và điều khiển, một số linh kiện...

Ông Bùi Văn Thịnh cho biết, việc sử dụng thiết bị và công nghệ nội địa có thể giúp giảm chi phí lắp đặt và vận hành các dự án; giảm chi phí nhập khẩu và các rủi ro về vận chuyển; xây dựng và phát triển năng lực sản xuất trong nước, tạo cơ hội việc làm và đào tạo chuyên môn cho lao động địa phương. Từ đó, giúp nền kinh tế Việt Nam tự chủ hơn trong phát triển và vận hành các dự án năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, nội địa hóa giúp giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài, đặc biệt là khi thị trường quốc tế biến động. Với các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo, các dự án sẽ có nguồn cung ổn định và chi phí hợp lý.

Trong khi đó, với điện mặt trời, một lĩnh vực tiềm năng của năng lượng tái tạo Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa cũng chưa cao do hầu hết các tấm pin mặt trời cùng một số linh kiện khác đang được nhập khẩu. Nhiều công ty điện mặt trời đang tìm cách khắc phục điểm yếu này bằng việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tìm ra những giải pháp công nghệ trong quá trình vận hành. Tại Công ty Cổ phần Đầu tư Điện mặt trời (Solarcom) có trụ sở tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), quá trình vận hành, bảo trì đã được các kỹ sư công ty thực hiện mà không cần mời chuyên gia nước ngoài từ các nhà sản xuất, cung ứng thiết bị như trước đây.

Chia sẻ về quá trình nội địa hóa ngành năng lượng tái tạo, bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và công bằng cho các nước Đông Nam Á (CASE) Việt Nam nhận định, trong ngắn hạn, Việt Nam vẫn phải dựa vào các công nghệ từ nước ngoài để xây dựng, vận hành các nhà máy điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, về dài hạn, để giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và giảm chi phí sản xuất, cần có chiến lược dài hơi trong phát triển nội địa hóa và sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước vào chuỗi cung ứng để giảm giá thành, từ đó góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cũng như bảo đảm giá thành điện có thể tiếp cận được với tất cả người dân.

*Công nghệ là điều kiện tiên quyết

Theo Báo cáo tóm tắt Triển vọng chuyển dịch năng lượng Thế giới năm 2023 do Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) công bố, những nước đi đầu trong chuyển dịch năng lượng đa phần là các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến, có thế mạnh về năng lượng tái tạo và tiềm lực tài chính như Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển… Đồng thời, quốc gia nào có thời gian triển khai chuyển dịch năng lượng sớm thì lợi ích mang lại sẽ lớn hơn.

Tuy nhiên, dù chuyển dịch năng lượng là điều cần thiết nhưng bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang rất chênh lệch giữa các nhóm nước phát triển và nước đang phát triển. Báo cáo Đầu tư Thế giới tại Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho thấy, kể từ khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015, các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo đã tăng gấp 3 lần, nhưng phần tăng tập trung chủ yếu ở các nước phát triển và Trung Quốc.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) diễn ra tại Glasgow (Scotland) tháng 11/2021, Việt Nam đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050; cam kết không xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030, giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng cơ cấu năng lượng của quốc gia; đồng thời tăng cường phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, thủy điện và các nguồn năng lượng sạch khác.

Việt Nam cũng đã tham gia Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) - một bước đi quan trọng trong nỗ lực chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững và công bằng. Các cam kết tại JETP không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính mà còn góp phần vào phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.

Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều chiến lược phát triển năng lượng trong đó có Quy hoạch điện VIII, với mục tiêu tăng cường tỉ lệ năng lượng tái tạo trong tổng công suất phát điện quốc gia. Cụ thể, Việt Nam đặt mục tiêu đạt khoảng 30% công suất điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Để chuyển dịch năng lượng thành công, các chuyên gia năng lượng nhận định, có 4 yếu tố cốt lõi cần hướng tới, đó là: Công nghệ, nền kinh tế cạnh tranh, mở cửa thị trường và chính sách hỗ trợ về khoa học và công nghệ. Theo ông Nguyễn Sĩ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), chính sách phát triển khoa học và công nghệ cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam cần tập trung vào các mục tiêu cụ thể để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo và bền vững hơn.

Ông Nguyễn Sĩ Đăng đề xuất xây dựng các chương trình phát triển công nghệ trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới. Cùng với đó, xây dựng cơ chế thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển, giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất và đời sống. Đồng thời, cần thiết lập các cơ chế hỗ trợ tài chính, thuế cho các dự án nghiên cứu và triển khai công nghệ mới; tạo cơ chế với các điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo.

Chính phủ tăng cường đầu tư vào các dự án nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo bao gồm việc cấp kinh phí cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu khoa học và công nghệ; áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị và công nghệ mới.

Đối với năng lượng mặt trời, ông Nguyễn Sĩ Đăng đề xuất nghiên cứu và phát triển các công nghệ pin mặt trời hiệu suất cao và chi phí thấp; ứng dụng công nghệ lưu trữ năng lượng mặt trời để đảm bảo cung cấp điện ổn định; phát triển hệ thống điện mặt trời tích hợp vào lưới điện quốc gia và hệ thống điện độc lập ở các vùng sâu, vùng xa.

Đối với năng lượng gió, cần phát triển và cải tiến công nghệ tuabin gió, đặc biệt là các tuabin gió ngoài khơi; nghiên cứu và triển khai các giải pháp lưu trữ năng lượng gió; xây dựng các hệ thống điều khiển thông minh để tối ưu hóa hiệu suất và độ tin cậy của các trang trại gió.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các quốc gia trong đó có Việt Nam xác định phát triển năng lượng tái tạo là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững. Để đạt được mục tiêu này, việc nghiên cứu, phát triển công nghệ giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành năng lượng tái tạo là điều kiện tiên quyết, cũng là một phần trong nỗ lực của đất nước để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và đối phó với biến đổi khí hậu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục