Góp ý hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030

14:43' - 23/09/2021
BNEWS Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 cần đề ra mục tiêu: "Cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan” với giải pháp cải thiện cơ chế, giản lược các loại giấy tờ...
Phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về việc góp ý xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 và thông qua quá trình hợp tác, phối hợp thực hiện các khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, VCCI cho rằng, dự thảo nêu mục tiêu của chiến lược chủ yếu là "Tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan…”.

Đây là điểm cần cân nhắc vì nội dung đó  dường như chỉ là cách thức hay hoạt động cần tiến hành để thực hiện mục tiêu “cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan”. Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh nội dung này thành: “Cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan” và thực hiện các mục tiêu đó bằng cách cải thiện cơ chế, quy trình, giản lược các loại giấy tờ, hợp lý hóa các tiêu chí, điều kiện xem xét…

Dự thảo chiến lược cũng đề ra chỉ tiêu thực hiện tới năm 2025 là kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số với Hệ thống chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính và Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Đây là chỉ tiêu quan trọng, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm nội dung chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành có liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu.

Bởi lẽ, qua các khảo sát gần đây do VCCI và Tổng cục Hải quan phối hợp triển khai về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính xuất nhập khẩu và Cơ chế một cửa quốc gia cho thấy, mức độ chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý chuyên ngành còn hạn chế. Thông tin được chia sẻ tốt hơn sẽ giúp doanh nghiệp tránh phải khai báo nhiều lần cùng một nội dung khi thực hiện thủ tục của các cơ quan Nhà nước khác nhau.

Ngoài ra, chỉ tiêu “hoàn thành nội luật hóa toàn bộ cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan” cũng cần nên cân nhắc sửa đổi. Bởi, các cam kết về hải quan và tạo thuận lợi thương mại trên thực tế không đòi hỏi việc sửa đổi pháp luật nhiều, mà chủ yếu là việc tổ chức triển khai trên thực tế. Do đó, chỉ tiêu này nên đổi thành: “hoàn thành thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan”.

Trong dự thảo cũng có một số chỉ tiêu như căn cứ để “thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao”; căn cứ xác định “địa bàn trọng điểm”... dễ gây mơ hồ trong cách hiểu nên cần được điều chỉnh để cụ thể hóa, hoặc có dẫn chứng bằng văn bản pháp luật hay kết quả nghiên cứu.

Theo VCCI, cơ quan soạn thảo cũng cân nhắc thêm một số chỉ tiêu khác vốn là bất cập nổi cộm trong thời gian qua nhưng chưa thấy đề cập như: số lượng, tỷ lệ các cuộc kiểm tra chống gian lận thương mại, số lượng, tỷ lệ các quyết định xác định trước, tỷ lệ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành mà việc kiểm tra thực tế được giao cho hải quan thực hiện thống nhất.

Liên quan tới nội dung các giải pháp thực hiện, VCCI cho rằng, đối với giải pháp thể chế cần bổ sung thêm các giải pháp như: giải pháp thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về hải quan và tạo thuận lợi thương mại; chuẩn bị và triển khai đàm phán hiệu quả các hiệp định hay thỏa thuận tương trợ lẫn nhau về hải quan mới với các đối tác chọn lọc; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan.

Hay như nhóm giải pháp về nghiệp vụ hải quan cũng cần bổ sung thêm nội dung triển khai hải quan xanh; mở rộng diện áp dụng để tính tới các cam kết liên quan mà Việt Nam đã ký kết và đang thực hiện; xử lý các bất cập hiện tại liên quan tới áp mã HS, giải thích thiếu thống nhất giữa các cơ quan hải quan cửa khẩu…; tăng cường hiệu quả hỗ trợ thông tin, giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp.

Đối với nhóm giải pháp về nguồn nhân lực, VCCI cũng đề nghị bổ sung các giải pháp để kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của cán bộ hải quan, nhằm giảm thiểu nguy cơ lạm dụng quyền, nhũng nhiễu.

Riêng về giải pháp “xây dựng, triển khai mô hình thông quan tập trung thông qua việc hình thành các địa điểm kiểm tra hồ sơ hải quan tập trung tại các Hải quan Vùng” và giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin, VCCI mong muốn được giải thích rõ ràng hơn về lý do cần hình thành các địa điểm kiểm tra hồ sơ tập trung.

Đồng thời, cân nhắc đánh giá kỹ việc thực hiện giải pháp này tránh làm gia tăng các chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Hoặc, làm rõ giải pháp nào sẽ được thực hiện để xử lý tình trạng thiếu thống nhất giữa các hệ thống công nghệ thông tin giữa các cơ quan hải quan hiện tại.

Bên cạnh đó, VCCI cũng góp ý thêm về nội dung liên quan tới Cơ chế một cửa quốc gia. Theo đó, cần bổ sung giải pháp để xử lý bất cập do hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan Chính phủ chưa đồng đều và chưa hoàn thiện. Hay, thủ tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn phức tạp dẫn tới các bộ ngành có sự quan ngại về việc không có công cụ đi kèm hữu hiệu khi thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.

Vấn đề bất cập trong phân loại mã số hàng hóa cũng đã được đề cập trong dự thảo chiến lược, tuy nhiên, cần nêu rõ giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào để các quyết định phân loại mã số hàng hóa trở nên thống nhất giữa các cơ quan hải quan.

Về phát triển quan hệ đối tác hải quan và doanh nghiệp, theo VCCI các nội dung nêu tại dự thảo mới chỉ là đề ra các mục tiêu, nhưng chưa có giải pháp cụ thể. Để tăng cường hợp tác giữa cơ quan Hải quan và các bên liên quan, một số thực tiễn tốt có thể tham khảo như: thiết lập các kênh đối thoại thường xuyên, định kỳ giữa hải quan ở từng cửa khẩu với doanh nghiệp; tổ chức diễn đàn đối thoại hàng năm giữa từng cục, chi cục hải quan với doanh nghiệp hay thậm chí, thiết lập đường dây nóng xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp....

Theo VCCI, việc lấy ý kiến đánh giá định kỳ của doanh nghiệp về các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu cũng là một giải pháp quan trọng. Vì thực tế cho thấy, những hoạt động hợp tác khảo sát doanh nghiệp giữa Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam từ năm 2012 đến nay đã giúp cải thiện chất lượng xây dựng và thực thi chính sách pháp luật và cải cách thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.

Ngoài những nội dung nêu trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc cùng phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện chiến lược này; đặc biệt, trong việc triển khai các giải pháp về thể chế, về hợp tác hải quan và đối tác bên ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục