Góp ý Sửa Luật Kiến trúc: Nhiều vấn đề chưa được tách bạch rõ ràng

19:48' - 21/05/2019
BNEWS Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, phiên họp chiều ngày 21/5, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến đóng góp giúp hoàn thiện dự thảo Luật Kiến trúc.

Vấn đề được xem là khá nhạy cảm và có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực như xây dựng, bất động sản, quản lý đất đai, văn hoá và bảo tồn di tích lịch sử...

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí và đánh giá cao sự tiếp thu ý kiến của cơ quan soạn thảo trong kỳ họp trước nhằm hoàn thiện dự thảo luật trước khi tiếp tục trình Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, cũng không ít đại biểu nhận định rằng, cho dù dự thảo luật lần này đã được chỉnh lý, bổ sung song những vấn đề về phân cấp phân quyền; cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép xây dựng, cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư...chưa thực sự được tách bạch rõ ràng.

Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này có thể vẫn còn sự chồng chéo giữa chính quyền địa phương và các sở ngành.

Nguy cơ cao là sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ và toàn xã hội đang nỗ lực thực hiện.

Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn Nghệ An cho hay, cần phải tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh thêm để Luật Kiến trúc sau khi được ban hành sẽ thực sự trở thành công cụ để quản lý hoạt động này và điều tiết quan hệ của các bên tham gia trong đó.

Cụ thể như việc cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, theo đại biểu tại sao quy định giao về Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện mà không phải người đứng đầu các sở, ngành - những đơn vị đầu mối quản lý trực tiếp và có nhiều chuyên môn, nghiệp vụ hơn.

Điều đó sẽ tạo ra tính khả thi, độ chuyên sâu hơn và cơ bản sẽ giúp rút ngắn thời gian cùng các thủ tục, quy trình trong vấn đề cấp phép, mà lâu nay luôn bị xem là mất thời gian và tốn phí.

Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng, chưa nói tới chất lượng mà việc phân cấp như vậy có thể còn giúp giảm tải được trách nhiệm cho người đứng đầu mỗi tỉnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Trần Văn Mão phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Ngoài ra, quy định về "các hành vi bị cấm" trong dự thảo Luật Kiến trúc cũng cần phải xem xét, nghiên cứu lại.

"Ta chỉ nên cấm những vấn đề liên quan tới chuyên môn và lĩnh vực hành nghề kiến trúc thôi, chứ các hành vi như công khai môi giới, đưa nhận hối lộ, hành vi móc nối trung gian trái pháp luật... thì đã được quy định khá rõ trong Luật Phòng chống tham nhũng rồi và vì thế không nhất thiết cần đưa vào Luật Kiến trúc", đại biểu khuyến nghị.

Dự thảo Luật Kiến trúc được xây dựng khá chi tiết nhưng đa số nội dung lại không nhận được sự đồng lòng, nhất trí của các đại biểu Quốc hội.

Nhiều đại biểu cho rằng, nội dung nào liên quan tới thẩm quyền và trách nhiệm ban hành của hiệp hội thì không nên quy định thành văn bản pháp luật như Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề là một ví dụ cụ thể.

Trong khi đó, dự thảo Luật chỉ mới quy định những hành vi cấm chứ chưa cụ thể và chi tiết các chế tài xử lý hành vi vi phạm.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Hà Nội ghi nhận, dự thảo Luật Kiến trúc kỳ này đã cho thấy sự kỳ công và tinh thần tiếp thu của bộ chủ quan và cơ quan soạn thảo.

Đây được xem là văn bản pháp luật khung trong lĩnh vực kiến trúc nên khó lòng chi tiết hóa nhiều nội dung theo yêu cầu của thực tiễn, cũng như kỳ vọng của số đông người dân.

Theo quan điểm cá nhân của đại biểu, dự thảo Luật này cần thêm thời gian nghiên cứu để hoàn thiện và được đánh giá trên nhiều bình diện.

Tuy nhiên, đã là luật thì cần bao quát được những vấn đề chung nhất, có ý nghĩa sát sườn nhất với các chủ thể có liên quan đến luật và có hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc.

Cụ thể như nếu đã quy định "các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc" thì cũng cần phải có quy định "chế tài xử lý vi phạm" nếu phát sinh. Như vậy luật mới dễ thực thi và khi ban hành mới nhanh chóng đi vào đời sống.

Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc là nội dung được nhiều đại biểu đồng tình với dự thảo luật. Đại biểu Quản Văn Hương, Đoàn Sơn La bày tỏ kỳ vọng, dự thảo Luật cần sớm được ban hành, với nhiều nội dung được quy định chi tiết như hiện nay sẽ giải quyết được một số bất cập của kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn...; cũng như dần thay đổi được thực trạng pha tạp kiến trúc ở nhiều địa phương; gìn giữ nét truyền thống văn hóa về kiến trúc.

Các địa phương, các dân tộc sẽ căn cứ vào đây để xây dựng cho địa phương nét văn hóa kiến trúc riêng có, đặc trưng và khôi phục được những giá trị truyền thống từ lâu đời nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục