Hà Lan được hưởng lợi từ "hiệu ứng Brexit"

05:30' - 11/09/2019
BNEWS Gần 100 doanh nghiệp đã quyết định chuyển trụ sở từ Anh sang Hà Lan, nhằm bảo vệ quyền tiếp cận thị trường châu Âu của mình.
Bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở London, Anh. Ảnh: THX/TTXVN

Là nhà xuất khẩu lớn sang Anh, với diện tích trung bình và có cơ sở hạ tầng cảng lớn, Hà Lan là một trong những quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có khả năng chịu tác động tiêu cực từ việc Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận, hay còn gọi là Brexit "cứng". 

Cơ quan phân tích chính sách kinh tế Hà Lan ước tính Brexit, chỉ việc Anh rời EU, trong trung hạn có thể gây thiệt hại ít nhất 10 tỷ euro cho nước này, tương đương 1,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tuy vậy, trước mắt, giới chức Hà Lan đang ghi nhận một tín hiệu tích cực nhất định. Cơ quan đầu tư nước ngoài (NFIA) lưu ý rằng 98 công ty đang hoạt động tại Anh đã quyết định chuyển đến Hà Lan và có tới 325 doanh nghiệp khác có thể "theo chân" trong trường hợp diễn ra Brexit "cứng".

Những công ty đã chuyển trụ sở hoặc tất cả các hoạt động của họ chủ yếu thuộc các lĩnh vực tài chính, tiếp thị, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và truyền thông. 

Theo ông Michiel Bakhuizen, phát ngôn viên của NFIA, hầu hết trong số đó từ chối thông báo về việc di dời này, điều được cho là để duy trì quyền tiếp cận thị trường châu Âu của họ. Rõ ràng, họ vẫn muốn bảo vệ lợi ích hiện tại ở Anh.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã công khai xác nhận quyết định của họ. Ví dụ như Bloomberg chuyên cung cấp dịch vụ và thông tin tài chính - kinh tế, Discovery Inc. 

Đồng sở hữu kênh truyền hình Eurosport, MarketAxess chuyên về công nghệ tài chính và sàn giao dịch trái phiếu, công ty bảo hiểm hàng hải UK P&I hoặc ngân hàng Norinchukin của Nhật Bản, với số tiền đầu tư khoảng 360 tỷ euro.

Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ, với khoản tiền gửi gần 1.100 tỷ euro, cũng đã đưa ra quyết định tương tự. Các tập đoàn điện tử Sony và Panasonic của Nhật Bản nằm trong danh sách dẫn đầu làn sóng rời khỏi Anh sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016 tại Anh với kết quả bất ngờ nghiêng về phe ủng hộ Brexit.

Theo giới chức Hà Lan, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ, Australia, châu Á và ngay cả Anh đang lo lắng về hậu quả của việc "ly hôn" mà không có thỏa thuận, và đã "ngỏ lời" với Hà Lan. Nhiều doanh nghiệp đề cập đến "lý do khẩn cấp" và mong muốn tiếp tục hoạt động ở châu Âu. 

Các công ty truyền thông có ý định giữ lại quyền phát sóng trên "lục địa già" và các ngân hàng hy vọng tiếp tục giữ giấy phép phục vụ khách hàng châu Âu. Tuy nhiên, họ sẽ không di dời toàn bộ trụ sở khỏi London, nơi sẽ tiếp tục quản lý các hoạt động tại thị trường Anh.

Theo NFIA, khi cơ hội về một Brexit có thỏa thuận giảm dần, cường độ của các đề xuất gửi đến Hà Lan tăng mạnh. Hà Lan sở hữu một vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng tốt (bao gồm cả kỹ thuật số) và hầu hết người dân đều nói tiếng Anh trôi chảy. 

Lối sống của người Hà Lan cũng khá gần gũi với người Anh và đất nước này có nhiều trường quốc tế. 

Ngoài ra, các công ty "đóng đô" tại Hà Lan được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, cũng như có thể tiếp cận một lực lượng lao động lớn và chính sách trợ giúp sáng tạo đổi mới của chính quyền quốc gia và khu vực. Một lý do khác thúc đẩy các công ty rời khỏi Anh là nhằm tránh những khó khăn tại đường biên do Brexit "cứng" tạo ra.

Những tuyên bố gần đây của Thủ tướng Anh Boris Johnson không giúp các doanh nghiệp tại Anh yên tâm hơn. Nhất là vào ngày 20/8, ông nói sẽ chấm dứt "ngay lập tức" việc đi lại tự do của công dân trong trường hợp Brexit không có thỏa thuận chính thức có hiệu lực từ ngày 31/10. 

Đây sẽ là một bước nữa tạo ra một cuộc khủng hoảng đối với người châu Âu. Trước đó, cựu Thủ tướng Anh Theresa May đã dự kiến một giai đoạn chuyển tiếp, ngay cả trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận, theo đó công dân EU được phép tự do đến Anh làm việc hoặc học tập.

Các công ty đầu tiên, chủ yếu đặt trụ sở tại Amsterdam và ngoại ô, cũng như tại Rotterdam, sẽ tạo ra 2.500 việc làm và đầu tư khoảng 300 triệu euro. Việc Cơ quan dược phẩm châu Âu chuyển từ London đến Amsterdam cùng với 900 nhân viên thực sự là một "món quà" đối với Chính quyền Hà Lan vốn luôn mong muốn thu hút các công ty đa quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục