Hà Nội: Chấn chỉnh những tồn tại trong lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân

14:17' - 23/02/2023
BNEWS Sở Y tế Hà Nội tăng cường hậu kiểm sau cấp phép đối với các cơ sở hành nghề; kiểm tra, giám sát và có các biện pháp hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ với các bệnh viện ngoài công lập.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, năm 2023, ngành y tế thành phố phấn đấu đảm bảo cấp chứng chỉ hành nghề y, dược trực tuyến cấp độ 3 cho 100% đối tượng có hồ sơ đúng quy định; 100% thủ tục hành chính thực hiện cấp phép hoạt động hành nghề được trực tuyến mức độ 3. Đồng thời, Sở tăng cường kiểm tra, hậu kiểm sau cấp phép đối với các cơ sở hành nghề tại quận, huyện, thị xã; kiểm tra, giám sát và có các biện pháp hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ với các bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn, ngăn chặn triệt để các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân hoạt động sai phép.

Thời gian qua, các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập phát triển trên địa bàn Hà Nội đã góp phần giảm tải cho các bệnh viện công. Tuy nhiên, việc quản lý các cơ sở này gặp khó khăn. Những sai phạm vẫn tiếp diễn mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra. Các vi phạm được phát hiện chủ yếu là: Hành nghề quá phạm vi chuyên môn được phê duyệt; sử dụng nhân sự không đủ điều kiện trong hoạt động hành nghề; thu tiền dịch vụ y tế, bán thuốc cao hơn giá niêm yết, quảng cáo dịch vụ y tế, quảng cáo thuốc, trang thiết bị y tế, thực phẩm chức năng sai quy định, không bảo đảm quy chế chuyên môn trong quá trình hoạt động... Đáng lưu ý, vẫn còn tồn tại tình trạng cung cấp dịch vụ y tế khi chưa được cấp giấy phép.

 
Nguyên nhân là do một bộ phận cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập coi trọng lợi nhuận, không tuân thủ đầy đủ các quy định về hành nghề khám, chữa bệnh và cung ứng thuốc. Trong khi đó, việc lựa chọn sử dụng dịch vụ y tế, dịch vụ làm đẹp, người dân còn có thói quen tự mua thuốc. Công tác thanh tra, kiểm tra sau cấp phép còn gặp nhiều khó khăn do nhân lực ít, trong khi số lượng cơ sở hành nghề lớn, địa bàn quản lý rộng; mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe.

Để khắc phục những tồn tại trên, ngành Y tế Hà Nội cần phối hợp với lực lượng chức năng, địa phương tăng cường thanh, kiểm tra cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập; tập trung kiểm tra các cơ sở có hình thức kinh doanh tiềm ẩn yếu tố nguy cơ, rủi ro như: phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám răng hàm mặt, phòng xét nghiệm, cơ sở có yếu tố nước ngoài…

Bên cạnh đó, địa phương cần bảo đảm tính chặt chẽ, chính xác, công khai, minh bạch trong hoạt động cấp phép cho các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập. Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước và có biện pháp cụ thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý theo đặc thù từng địa phương; kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý nghiêm các cơ sở dịch vụ y, dược ngoài công lập hoạt động không phép, sai phép. Cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh ngành nghề y, dược có sai phạm; tuyệt đối không để tình trạng cơ sở hành nghề y, dược không phép hoạt động.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có 8.796 cơ sở hành nghề dược; 4.636 cơ sở hành nghề y; 156 phòng khám đa khoa. Năm 2022, thành phố Hà Nội đã tổ chức kiểm tra, hậu kiểm thường xuyên, định kỳ, đột xuất 217 cơ sở kinh doanh thuốc. Trong đó, Sở Y tế Hà Nội đã thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của 123 cơ sở còn tồn tại, sai phạm pham; chuyển phòng y tế quận, huyện, thị xã xử lý 51 cơ sở bán lẻ có sai phạm; đồng thời, yêu cầu khắc phục 31 cơ sở, chuyển thanh tra xử phạt 12 cơ sở. Tổng số tiền xử phạt là 550 triệu đồng. Ngoài ra, từ ngày 30/1/2023 đến 3/2/2023, Sở Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính 62 triệu đồng đối với 5 đơn vị, cơ sở vi phạm trên địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục