Hà Nội dành 6.000 tỷ đồng cho tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2025 - 2030

20:04' - 11/04/2025
BNEWS Giai đoạn 2025 - 2030, Hà Nội sẽ bố trí khoảng 6.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các nhóm đối tượng chính sách.
Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, ngày 10/4, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND nhằm triển khai kế hoạch của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới".

Kế hoạch xác định 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm; trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Việc tuyên truyền sẽ được triển khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng iHaNoi cùng hệ thống truyền thông của thành phố với sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.

 
Thành phố xác định tập trung nguồn lực là nhiệm vụ then chốt. Giai đoạn 2025 - 2030, Hà Nội dự kiến bố trí khoảng 6.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các nhóm đối tượng chính sách. Trong đó, ưu tiên các nhóm đặc thù như: người nghèo, người yếu thế, người lao động bị mất việc làm do sắp xếp lại địa giới hành chính, người chấp hành xong án phạt tù; học sinh, sinh viên, hộ dân cần vốn cải thiện điều kiện vệ sinh, nước sạch và nhà ở xã hội.

Sở Tài chính được giao chủ trì tham mưu bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn ủy thác. Sở Nội vụ chủ trì công tác rà soát nhu cầu vay. Các đơn vị như: Sở Nông nghiệp và Môi trường, Công an thành phố, Sở Xây dựng… phối hợp tham mưu cơ chế, chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng chính sách xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động tại các điểm giao dịch cấp xã; tăng cường số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giải ngân vốn. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND các cấp và tổ chức nhận ủy thác để đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả, kịp thời, an toàn và minh bạch.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nói trên không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, đặt con người làm trung tâm trong mọi chính sách phát triển của thành phố.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục