Hà Nội đẩy nhanh cơ cấu sản xuất hợp lý theo 3 vùng sinh thái

16:50' - 12/07/2023
BNEWS UBND thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh thực hiện việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2022-2030.

UBND thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh thực hiện việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 

Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ tập trung xây dựng và phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao, tập trung sản xuất cây, con giống năng suất, chất lượng, giá trị cao cho cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản sâu sản phẩm nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp, làng nghề kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm, thích ứng với điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu. Sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai trong sản xuất nông nghiệp, khai thác hiệu quả đất đai vùng bãi ven sông đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai.

Thành phố Hà Nội cơ cấu sản xuất theo 3 vùng sinh thái dựa trên đặc điểm địa hình như: vùng đồi gò tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là cây ăn quả, cây chè, phát triển trang trại và chăn nuôi gia súc tập trung (bò thịt chất lượng cao, bò sữa, lợn thương phẩm), phát triển kinh tế rừng.

Đối với vùng đồng bằng tập trung sản xuất cây lương thực (lúa, ngô), chăn nuôi lợn, gia cầm và nuôi trồng thủy sản hàng năm như đậu tương. Đối với vùng ruộng trũng với tổng diện tích khoảng 20 nghìn ha, định hướng tiếp tục chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Vùng bãi ven sông (sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống ...) với diện tích tự nhiên khoảng 29,4 nghìn ha, định hướng tập trung phát triển cây rau đậu thực phẩm, rau an toàn, cây ăn quả và chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại gắn với việc bảo vệ vành đai xanh của Hà Nội. Tận dụng diện tích mặt nước các con sông lớn (sông Hồng, sông Đuống, sông Đà) để đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản lồng bè kết hợp với du lịch.

Thành phố cũng sẽ cơ cấu theo các lĩnh vực, đối với trồng trọt sẽ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm diện tích sản xuất lúa; mở rộng diện tích trồng rau, đậu; tăng diện tích cây ăn quả, diện tích hoa, cây cảnh; giữ ổn định diện tích chè....

Cùng với đó, Hà Nội hướng tới khai thác để tạo sinh kế và phát huy hiệu quả của đất bãi sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống, sông Cà Lồ để tập trung phát triển cây rau, đậu thực phẩm, cây ăn quả, hoa cây cảnh, cây công trình theo hướng trang trại gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong sản xuất trồng trọt, mở rộng phát triển cả về quy mô và số lượng trên các đối tượng chủ lực, tiến tới mở rộng trên tất cả các hoạt động sản xuất trồng trọt.

Ngoài ra, thành phố cũng tiếp tục duy trì và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu. Cùng đó, duy trì kiểm soát 40 mô hình và mở rộng, phát triển, kiểm soát thêm từ 30-40 mô hình chuỗi cung cấp rau an toàn, đảm bảo 100% truy xuất nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, thành phố có kế hoạch để sử dụng đất nông nghiệp hiệu qủa, linh hoạt hơn để phát huy lợi thế về tiềm năng đất đai, khí hậu của từng vùng sinh thái. Xây dựng mô hình, khuyến khích phát triển sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm trong các vùng sản xuất nguyên liệu, các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là trong các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Thành phố cơ cấu vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các huyện trọng điểm lúa như: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai.

Vùng sản xuất rau an toàn, phát triển vùng rau hữu cơ chất lượng cao chủ yếu ở vùng bãi các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì; khu ven sông Đáy và bãi sông Hồng thuộc các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Thạch Thất và Ứng Hòa.

Trong đó chú trọng sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ. Hình thành những vùng sản xuất rau an toàn quy mô từ 20-25ha trở lên; mở rộng diện tích rau tại 22 quận, huyện theo hướng ứng dụng kỹ thuật cao, sử dụng con giống Fl, sản xuất theo VIETGAP, hữu cơ và các tiêu chuẩn tương đương, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đối với vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, Hà Nội sẽ tập trung tại các vùng đồi gò, vùng đất bãi và một số vùng chuyên đồi ở các huyện như: Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai... Phát triển vùng cây ăn quả VIETGAP, hữu cơ ở các huyện, thị xã như: Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Sơn Tây, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Thạch Thất... Các cây ăn quả chính như: bưởi đỏ, nhãn chín muộn, cam canh, bưởi Diễn, chuối... dùng để cung cấp cho thị trường Hà Nội và vùng phụ cận.

Vùng sản xuất hoa, cây cảnh chủ yếu tại các xã ven thành phố và một phần đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa giá trị kinh tế cao tại các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thị xã Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thường Tín.

Vùng sản xuất chè chất lượng cao, tập trung ở các vùng sản xuất chè truyền thống tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Quốc Oai. Phát triển chè VIETGAP, hữu cơ trên diện tích chè an toàn hiện có của Thành phố, tập trung tại các huyện Sóc Sơn, Quốc Oai, Ba Vì. Vùng trồng cây dược liệu tại các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, ứng Hòa, Quốc Oai.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục