Hà Nội: Phát triển đường sắt đô thị giải tỏa ách tắc giao thông

15:05' - 12/07/2023
BNEWS Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 413 km.

Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 cần đầu tư xây dựng 85 km. Tuy nhiên, cho đến nay, Hà Nội mới chỉ đưa được 13 km tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác.

 

Theo ngành chức năng, một trong những nguyên nhân khiến các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị chậm được triển khai là do vướng mắc về vốn. Kinh phí để xây dựng một tuyến đường sắt đô thị rất lớn, trên thực tế, nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước hay vốn ODA thì tiến độ triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị rất chậm. Do đó cần thu hút khu vực tư nhân cùng tham gia đầu tư.

Để đầu tư đường sắt đô thị, thành phố Hà Nội đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu các giải pháp đặc thù, cơ chế, chính sách ưu đãi để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình đầu tư. Đặc biệt, có cơ chế khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất thông qua áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn với đầu mối giao thông (TOD) để huy động nguồn vốn đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị theo đúng quy hoạch.

Mô hình TOD là một vấn đề mới ở Việt Nam. Mô hình này là giải pháp phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, đặc biệt phù hợp với những thành phố lớn như Hà Nội.

Theo hướng đi này, người dân sẽ dần hình thành thói quen đi bộ để tới phương tiện giao thông công cộng (phạm vi bán kính 400-800m). Qua đó, góp phần giãn mật độ dân số ở khu vực trung tâm ra các khu vực bên ngoài, gia tăng giá trị sử dụng đất ở khu vực ngoài đô thị trung tâm, giảm bớt được sự chênh lệch về đời sống giữa các khu vực.

Từ đó góp phần tăng lượng hành khách sử dụng giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, góp phần giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông và thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.

Theo Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội, hiện các bộ, ngành, Trung ương chưa thông báo nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 cho thành phố Hà Nội. Trên cơ sở nguồn vốn được giao năm 2023 và nhu cầu đầu tư công năm 2024 của các nhiệm vụ, dự án, thành phố dự kiến nguồn vốn đầu tư công năm 2024 là 70.000 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2023. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương gần 12.305,4 tỷ đồng; vốn ngân sách thành phố hơn 57.964,6 tỷ đồng.

Trong số các công trình trọng điểm được ưu tiên bố trí vốn, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được bố trí hơn 2.179 tỷ đồng; dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (tuyến 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được bố trí 3.878,2 tỷ đồng.

Tại kỳ họp lần thứ 12 của HĐND Thành phố Hà Nội diễn ra chiều 4/7/2023, HĐND Thành phố đã biểu quyết thông qua Tờ trình của UBND thành phố đề nghị HĐND thành phố thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Dự án tuyến 2).

Đồng thời thông qua Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật "Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị” (Dự án Hỗ trợ kỹ thuật tuyến 3.2), với tỷ lệ phiếu đồng ý là 91,49% (không có đại biểu phản đối) đối với các đề nghị của UBND thành phố về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Thông tin về công tác triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tại công văn gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, UBND thành phố Hà Nội cho biết, sau khi Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương dự án được HĐND thành phố thông qua (4/7/2023), UBND thành phố đang chỉ đạo các Sở, ngành, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh dự án theo quy trình.

Dự kiến, hồ sơ điều chỉnh chủ trương dự án sẽ được UBND thành phố Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 7/2023.

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có chiều dài 11,5 km, đi qua địa bàn các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.

Trong đó, đoạn đi ngầm dài gần 9km, đoạn trên cao dài 2,6km. Công trình gồm 10 ga (3 ga trên cao, 7 ga ngầm).

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại quyết định 2054 ngày 13/11/2008, tổng mức đầu tư dự án là 19.555 tỷ đồng.

Trong đó, vốn vay ODA là gần 16.500 tỷ đồng; vốn đối ứng do ngân sách thành phố Hà Nội bố trí là hơn 3.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2009 - 2015.

Theo Nghị quyết được HĐND thành phố Hà Nội thông qua đầu tháng 7/2023, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên gần 35.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA được điều chỉnh là gần 29.700 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách thành phố là hơn 5.900 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xuất phát từ một số nguyên nhân như: thay đổi về quy mô đầu tư, tỷ giá quy đổi, chế độ chính sách và các quy định của nhà nước liên quan đến xác định và quản lý chi phí đầu tư; biến động về giá đối với nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công.

Thời gian thực hiện, đưa dự án vào vận hành toàn tuyến cũng được điều chỉnh đến năm 2029.

Là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào vận hành, khai thác, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông được đông đảo người dân Thủ đô đồng tình ủng hộ và đón nhận như một phương thức vận tải hành khách công cộng tiên tiến, hiện đại lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận chuyển ước đạt 5 triệu lượt hành khách (tăng 63,7% so với cùng kỳ 2022).

Ưu điểm vượt trội của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã làm thay đổi thói quen đi lại, chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng của một bộ phận người dân, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục