Hà Nội điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông

17:13' - 22/10/2021
BNEWS Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao, Hà Nội đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông phù hợp với tình hình mới theo hướng tăng diện tích.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là từ nay đến Tết nguyên đán nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thành phố đã sớm điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông phù hợp với tình hình mới theo hướng tăng diện tích.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cũng điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng, bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, an toàn thực phẩm và hướng sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.

Đến nay, các địa phương trên địa bàn thành phố đã thực hiện rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông. Kết quả, sau rà soát, toàn thành phố phấn đấu gieo trồng 32.548,4ha cây vụ đông, tăng 2.859,3ha so với kế hoạch đầu năm.

Các cây trồng chủ lực trong vụ Đông năm nay là rau, ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây... Về cơ cấu giống, Hà Nội sử dụng giống ngắn ngày, chất lượng cao là chủ lực.

Hiện nay, Hà Nội có hơn 13.000 ha sản xuất rau các loại, trong đó có hơn 5.000 ha được chứng nhận sản xuất an toàn. Đặc biệt, Hà Nội đã hình thành được 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô từ 20 ha trở lên.

Điểm mới của vụ Đông năm nay là Hà Nội tăng diện tích các loại cây đáp ứng nhu cầu thị trường như: Ngô, đậu tương... vừa làm thực phẩm, vừa làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Ngay từ đầu tháng 10, các huyện đã bám sát khung thời vụ, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông theo hướng tăng diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, tại các vùng rau an toàn, chi cục cũng tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện về kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho người dân, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng như che phủ ni lông, nhà lưới, nhà màng...

Qua đó, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bao bì được thu gom, tiêu hủy bảo đảm vệ sinh môi trường... Mỗi vùng sản xuất rau an toàn có ít nhất 1 cán bộ bảo vệ thực vật trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật, giám sát việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đánh giá sâu bệnh hại...

Anh Phạm Văn Cường, chủ trang trại trồng rau sạch ở xã Văn Đức, huyện Gia Lâm cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ cao, đầu tư màng phủ passlite, gia đình anh hạn chế được tối đa bọ nhảy gây hại, bệnh thối nhũn và dập nát do mưa bão gây ra. Diện tích trồng rau ăn lá của gia đình anh không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong suốt quá trình canh tác và cho năng suất gấp 2 lần so với canh tác thông thường.

Để đạt được hiệu quả cao trong vụ Đông 2021, Hà Nội đã hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất cây màu như giống, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí làm đất... theo hướng sản xuất hàng hóa với kinh phí hơn 76,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, bảo đảm cung cấp đầy đủ nguồn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kiên quyết xử lý các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trái quy định pháp luật./.

>>>Dự báo nguồn nước cho vụ Đông Xuân sẽ gặp nhiều khó khăn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục