Hà Nội dồn lực để cải cách hành chính

21:43' - 29/11/2016
BNEWS Để cải cách hiệu quả, Hà Nội đang tập hợp đề xuất xu hướng thành lập tổ chuyên viên các sở hàng ngày phối hợp với Văn phòng UBND Thành phố để giải quyết các thủ tục hành chính nhanh hơn.
Bộ phận tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính phường Phạm Đình Hổ (Hà Nội). Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN
Năm 2015, Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần đầu tiên công bố kết quả xác định chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính dựa trên kết quả khảo sát 6 dịch vụ hành chính công. Tại Hà Nội dịch vụ hành chính công có tỷ lệ hài lòng cao nhất là cấp Chứng minh nhân dân, đạt 91,33%; giấy khai sinh đạt 87,09%; đăng ký kết hôn đạt 84,57%; giấy phép xây dựng nhà ở đạt 80,68%; chứng thực 78,05%; thấp nhất là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 71,16%. Kết quả trên cho thấy Hà Nội đang nỗ lực cải thiện nền hành chính công theo hướng kiến tạo và phục vụ.

* Chuyển biến từ cơ sở

Phường Phạm Đình Hổ là phường trung tâm của quận Hai Bà Trưng, nơi tập trung giải quyết nhiều thủ tục hành chính liên quan đến các đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Thời gian qua, phường Phạm Đình Hổ đã duy trì và vận hành bộ phận "một cửa" một cách trơn tru, hiệu quả, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế trễ hẹn và tồn đọng hồ sơ, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, công dân.

Bà Nguyễn Kim Phượng, ở đường 54 Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ) cho biết, khi đến đăng ký mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện ở bộ phận "một cửa" của phường, bà không chỉ được tiếp cận nhanh nhờ các thông tin niêm yết công khai mà còn được cán bộ, công chức thực thi công vụ hướng dẫn tận tình, chu đáo. Nhờ đó, bà tiết kiệm được thời gian, không phải đi lại nhiều lần với tâm lý thoải mái, tin tưởng vào chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính thuộc cơ quan công quyền.

Ông Hoàng Đạt Giang, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ cho biết, các thủ tục hành chính được giải quyết theo đúng trình tự, bước đầu đáp ứng yêu cầu đặt ra là giảm phiền hà cho tổ chức, công dân, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong công việc.

Tại bộ phận "một cửa" của Văn phòng Đăng ký đất đai - thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, từ đầu giờ sáng đã có hàng chục người dân đến làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặc dù khá đông nhưng mọi người đều có chỗ ngồi, có phiếu thứ tự và được gọi tên làm thủ tục theo đúng quy trình. Đây cũng là hình ảnh quen thuộc với người dân Thủ đô khi đi đến các văn phòng một cửa tại các sở, ban, ngành để giải quyết thủ tục hành chính liên quan.

Chị Trần Thị Trang ở phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) nhận xét, cán bộ ở bộ phận một cửa của Văn phòng Đăng ký đất đai làm việc nhiệt tình, chu đáo. Các thông tin, quy trình về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được niêm yết công khai ở những vị trí dễ tra cứu, đọc dễ hiểu, có thể thực hiện được sau khi nghiên cứu. Đặc biệt, ngay ở cửa chính của Văn phòng có đặt một máy tính lớn, qua đó người dân có thể tra cứu được hồ sơ đang được giải quyết ở bộ phận nào, để chủ động sắp xếp thời gian. Tôi thấy có nhiều chuyển biến so với trước đây.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt phương châm “rõ người - rõ việc - rõ trách nhiệm - rõ quy trình - rõ hiệu quả”, đồng thời công khai quy trình, thủ tục, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân dễ dàng nhận diện và tiếp cận minh bạch.

Hiện tại, Sở đang tập trung đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, nhân lực cho việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với một số thủ tục hành chính chính liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ công dân trong việc dễ dàng tiếp cận với các thủ tục hành chính, giảm nhiều chi phí, thời gian đi lại của công dân, hạn chế tối đa hiện tượng tiêu cực, “nhũng nhiễu” trong khi công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ tại cơ quan nhà nước và mọi thủ tục đều được thực hiện công khai, minh bạch.

* Ngăn chặn tình trạng "câu giờ"

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

Theo đó, Hà Nội chú trọng thực hiện rà soát, điều chỉnh để rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tập trung vào các lĩnh vực, ngành có liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng, tận tụy phục vụ nhân dân.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, để cụ thể Nghị quyết trên, thành phố đã rà soát đơn giản hóa 308  thủ tục hành chính thuộc 12 lĩnh vực. Số lượng thủ tục hành chính đã chuẩn hóa là 658 và được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Ngoài ra, thành phố ủy quyền cho một số sở thực hiện một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố trong các lĩnh vực môi trường, văn hóa - thể thao, thông tin và truyền thông, lao động - thương binh và xã hội.

Ông Sáng cũng cho biết Thành phố đã thực hiện vượt chỉ tiêu và thời gian theo Nghị quyết 19/NQ-CP về kê khai thuế qua mạng, nộp thuế qua mạng điện tử và rút ngắn thời gian nộp thuế. Tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98,56%; rút ngắn thời gian nộp thuế của doanh nghiệp còn 117 giờ/năm; vượt chỉ tiêu 121,5 giờ/năm. Thủ tục hải quan trên địa bàn đã tiếp cận chuẩn mực của các nước tiên tiến, phù hợp với cam kết quốc tế.

Đối với các phường thuộc địa bàn 12 quận nội thành, Hà Nội đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp, bao gồm các thủ tục: khai sinh, khai tử, kết hôn, cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận tình trạng hôn nhân, giám hộ… 

Từ ngày 15/12/2016, 100% xã thuộc 18 huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội sẽ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp. Như vậy, vào cuối năm 2016, Hà Nội sẽ hoàn tất mục tiêu 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp. Khi bộ khung về giải quyết công việc hoàn chỉnh, giúp ngăn chặn cán bộ "ngâm" hồ sơ hành dân.

* Dồn lực cải cách hành chính vì dân

Yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính công được người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm, đây cũng chính là mấu chốt để cởi "nút thắt" trong thu hút đầu tư của thành phố. Vì vậy, Hà Nội đang dồn lực để cải cách hành chính. 

Thực hiện cải cách hành chính theo hướng kiến tạo, vì dân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Để cải cách hiệu quả, thiết thực hơn, thành phố đang tập hợp đề xuất xu hướng thành lập tổ chuyên viên các sở hàng ngày phối hợp với Văn phòng UBND thành phố để giải quyết các thủ tục hành chính, bảo đảm giải quyết nhanh hơn những vấn đề từ quận huyện hoặc sở ngành; thậm chí có thể giải quyết trong ngày, nhằm ngăn chặn tình trạng "câu giờ" của một số cán bộ, sở, ngành. Trong thời gian tới, thành phố sẽ đề xuất với các bộ, ngành như Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tích hợp dữ liệu của thành phố với các đơn vị này để trên cơ sở đó giải quyết nhanh hơn các thủ tục đối với người dân Thủ đô.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục chấn chỉnh tác phong làm việc của cán bộ, đầu tư trang thiết bị tại bộ phận một cửa. Thành phố sẽ áp dụng các hình thức kiểm tra, xử lý minh bạch, từ đó khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập nhằm hướng tới nền hành chính trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, sẽ có những đơn vị độc lập thực hiện đo chỉ số hài lòng của người dân Thủ đô, qua đó thành phố kịp thời có những điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế trong thực hiện cải cách hành chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục