Hà Nội dự kiến khởi công xây dựng cầu Thượng Cát dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

20:23' - 25/01/2024
BNEWS Theo kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu sẽ được khởi công vào dịp 10/10/2024, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Chiều ngày 25/1, UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ công bố, trao giải cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu (nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh).

Theo kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu sẽ được khởi công vào dịp 10/10/2024, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

 

Trong 7 phương án thiết kế tham gia dự thi qua các vòng, Hội đồng thi tuyển đã trao giải nhất cho phương án mã số TC - 03 do Liên danh Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP và Công ty cổ phần kiến trúc Lập Phương thiết kế; giải nhì được trao cho phương án mã số TC - 05 do Liên danh Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng, Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam và Văn phòng tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng thiết kế; giải ba được trao cho phương án mã số TC - 02 do Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm thiết kế.

Phương án TC - 03 đoạt giải nhất mang tên “Cánh chim hòa bình” có cầu chính gồm 4 nhịp sử dụng kết cấu dây văng, trụ cầu thiết kế vuốt cong nhẹ sang hai bên thành cầu theo hình dáng một cánh chim vươn cao; mặt cắt ngang cầu chính rộng 37,4m. Số làn giao thông gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.

Mang vị trí đầu nguồn của chuỗi những cây cầu bắc ngang sông Hồng, cầu Thượng Cát hướng đến hình tượng lớn, mang biểu tượng lớn thể hiện được tinh thần Thủ đô. Thiết kế cầu được lấy từ những cánh chim trong câu tục ngữ “Đất lành chim đậu”, vừa hài hoà ẩn mình trong hệ sinh thái phong phú của sông Hồng, lại vừa mang tính biểu tượng toàn cầu. Thành phố Hà Nội luôn phấn đấu để trở thành một thành phố thân thiện, hiếu khách và hòa bình. Chính vì thế, hình tượng những cánh chim hòa bình nối tiếp nhau dẫn bước đoàn xe qua cầu trở thành một hình tượng lớn đại diện cho định hướng phát triển lâu dài của Hà Nội.

Ngoài ra, các phương án mã số TC - 05 mang tên “Cất cánh” với hình ảnh cầu Thượng Cát vươn lên mạnh mẽ từ điểm tựa tự nhiên, lịch sử, văn hóa là dòng sông Hồng, gồm cầu chính với 7 nhịp sử dụng kết cấu dàn thép liên tục, trụ cầu bằng bê tông cốt thép tạo hình kiến trúc. Tại vị trí cao nhất (nhịp 150m), chiều cao giàn là 45m, mặt cắt ngang cầu chính rộng 1,41m. Số làn giao thông gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp. Phương án mã số TC - 02 mang tên “Trái tim hòa bình” với hình ảnh cánh chim trắng và màu xanh thiên thanh, có cầu chính sử dụng kết cấu vòm thép với 6 nhịp. Kết cấu vòm sử dụng vòm thép với 2 mặt phẳng vòm liên kết với nhau thông qua các giằng giá ngang. Mặt cắt ngang cầu chính rộng 33m. Số làn giao thông gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, việc tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc cầu Thượng Cát là một bước rất quan trọng trong quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng nhằm tìm kiếm một phương án kiến trúc đẹp, bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp với quy hoạch, hài hòa với cảnh quan xung quanh; có giải pháp kết nối giao thông hợp lý, khoa học, hiệu quả trong đầu tư, vận hành và bảo trì.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát qua sông Hồng trên tuyến đường Vành đai 3,5 nằm trong Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016. Việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt, nối thông toàn tuyến đường Vành đai 3,5 từ phía Nam lên phía Bắc sông Hồng; mở thêm đường kết nối phía Tây, Tây Nam Thủ đô giữa các quận, huyện phía Bắc và Nam sông Hồng...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục