Hà Nội đưa ra 18 giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng

21:46' - 18/09/2019
BNEWS Chiều 18/9, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Thanh đã đưa ra 18 giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng và diện tích đất dành cho giao thông của Thủ đô.
Cảnh ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Tại buổi giám sát do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì làm việc với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chiều 18/9, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Thanh đã đưa ra 18 giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng và diện tích đất dành cho giao thông của Thủ đô.
Qua thời gian thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 05/NQ-HĐND ngày 3/8/2016 của HĐND thành phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn về nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, nhiều công trình có trong kế hoạch, nhưng không được bố trí vốn kịp thời nên triển khai chậm; mạng lưới đường giao thông chưa hoàn thiện, nhiều tuyến vành đai chưa hoàn chỉnh và khép kín; việc triển khai các dự án đầu tư bến bãi đỗ xe còn chậm...

Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông ở mức cao; mạng lưới vận tải hành khách công cộng chất lượng dịch vụ đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, việc thực hiện 2 chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải dù đã có chuyển biến tích cực, song kết quả đạt được còn thấp: Chỉ tiêu về tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới đạt 16,8% (theo yêu cầu của chương trình đến cuối năm 2020 cần đạt 20 - 25%); chỉ tiêu về diện tích đất dành cho giao thông/diện tích đất đô thị mới đạt 9,55% (theo yêu cầu đến cuối năm 2020 cần đạt 10 - 13%).
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, dự kiến cuối năm 2019, vận tải hành khách công cộng vận chuyển được 948,5 triệu lượt hành khách, đạt 17,035%  và năm 2020 vận chuyển được 1.255 triệu lượt hành khách, đạt 20,08% nhu cầu. Diện tích đất dành cho giao thông/diện tích đất đô thị đến hết tháng 6/2019 đạt 9,55%, dự kiến cuối năm 2019 đạt 9,75% và cuối năm 2020 là 10,05%.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Thanh cho biết, để đạt được chỉ tiêu phát triển vận tải hành khách công cộng và diện tích đất cho giao thông đến năm 2020, Sở Giao thông Vận tải đưa ra 18 giải pháp; trong đó tiếp tục cải thiện và mở rộng vùng phục vụ của xe buýt; đầu tư, đổi mới, cải tạo đồng bộ và hợp lý hóa hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; tăng cường lắp đặt bảng điện tử, hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến trên xe buýt tại các điểm đầu cuối, điểm trung chuyển và nhà chờ xe buýt; tiếp tục khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng chương trình nhận diện thương hiệu xe buýt; nâng cao tính tiện nghi của dịch vụ xe buýt; tăng cường trang bị hệ thống camera giám sát tại các điểm trung chuyển xe buýt.

Đồng thời tăng số lượng phương tiện được lắp đặt camera giám sát; phối hợp với Ban An toàn giao thông, Hiệp hội vận tải hành khách công cộng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ... Đầu tư và phát triển nhanh hệ thống vé điện tử dùng chung cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức đảm bảo thuận tiện, liên thông cho hành khách và hỗ trợ cho quản lý doanh thu và vận hành.

Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030".
Các giải pháp phát triển diện tích đất dành cho giao thông cũng được quan tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông; cân đối nguồn lực đầu tư cho công trình giao thông; rà soát các dự án, đề xuất giải pháp tập trung đầu tư hoàn thiện khép kín đường vành đai 1,2,..; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các bến xe khách liên tỉnh còn lại thuộc khu vực đô thị trung tâm và hệ thống bãi đỗ xe ngầm, nổi, cao tầng trong khu vực vành đai 3 theo quy hoạch giao thông tĩnh được duyệt...
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Một trong những tiêu chí để đánh giá một thành phố có phát triển hay không chính là vấn đề giao thông đô thị nên thành phố chọn nội dung quan trọng này để giám sát.

Trong điều kiện thành phố còn nhiều khó khăn, chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhiệm của vận tải khách công cộng năm nay dự kiến vẫn đạt 17,03%, đến năm 2020 đạt 20,08%; tổng diện tích đất dành cho giao thông/diện tích đất đô thị tương ứng đạt 9,75% và 10,05%.

Thời gian qua, Sở đã có nhiều nỗ lực trong điều kiện có nhiều việc khó, nhạy cảm về giao thông vận tải; mạnh dạn đề xuất những vấn đề liên quan đến các chương trình, nghị quyết của thành phố trong lĩnh vực này.
Trưởng đoàn giám sát đề nghị Sở Giao thông Vận tải lưu ý phải đảm bảo đồng bộ các giải pháp liên quan đến đảm bảo hệ thống giao thông của thành phố, gồm cơ sở hạ tầng, quy hoạch bố trí quản lý giao thông, văn hóa giao thông, xử lý vi phạm...

Trong đó, để thực hiện tốt chỉ tiêu liên quan vận tải khách công cộng đòi hỏi các cấp, ngành quyết tâm và cố gắng hơn nữa, Sở đánh giá lại đề án xe buýt để tính toán phát triển hợp lý, cách thức để hệ thống BRT đạt hiệu quả cao hơn...

Đồng thời, rà soát, đôn đốc, phối hợp với các chủ đầu tư, Tổng Công ty vận tải, quận, huyện thực hiện tốt công tác vận tải hành khách công cộng, an toàn giao thông... Đặc biệt, với khó khăn hiện nay về nguồn lực đầu tư, các sở, ngành phải cùng Sở Giao thông Vận tải tính toán, tham mưu thành phố để báo cáo Thủ tướng tháo gỡ, giải quyết./.

Xem thêm:

>>Sẽ lấy ý kiến cộng đồng việc thí điểm cấm xe máy ở Hà Nội

>>Phát triển hệ thống xe buýt kết nối giao thông Hà Nội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục