Hà Nội: Gần 58.000 khách hàng đã được cơ cấu nợ

19:30' - 31/08/2021
BNEWS Các ngân hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng vẫn duy trì bộ phận thường trực, đường dây nóng tiếp nhận các thông tin phản ánh của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn; đồng thời, chủ động xử lý những khó khăn, vướng mắc và thông tin về chương trình, chính sách tín dụng, các giải pháp của ngành ngân hàng tới doanh nghiệp và người dân.
Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố Hà Nội trong 8 tháng năm 2021, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến hết tháng 8, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 2.386 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với tháng 7 và tăng 8,3% so với cuối năm 2020; trong đó, dư nợ cho vay đạt 2.171 nghìn tỷ đồng, chiếm 91% tổng dư nợ, tăng 1,1% và tăng 9,2%.

Cho vay theo kỳ hạn, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 967 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và 9,9% so với cuối năm 2020; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.419 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% và tăng 7,2%.
Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam (VND) phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3-4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 3,8-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5-7%/năm.

Lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 5,5-8%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-9,5%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Các ngân hàng cũng đẩy mạnh việc huy động vốn, từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước tính đạt 4.099 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng 7 và tăng 9,2% so với cuối năm 2020; trong đó, tiền gửi VND đạt 3.327 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với thời điểm kết thúc năm 2020; tiền gửi ngoại tệ đạt 412 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8%; tiền gửi tiết kiệm đạt 1.520 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1%; tiền gửi thanh toán đạt 2.219 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%.
Ngành ngân hàng thành phố Hà Nội còn quyết liệt thực hiện các chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định, xem xét cho khách hàng vay mới, tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm phí các dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, trên địa bàn thành phố, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 57,7 nghìn khách hàng với dư nợ 74,9 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 178,1 nghìn khách hàng với dư nợ 254,2 nghìn tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 965,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 97,7 nghìn lượt khách hàng./.

>>>Khách hàng vay vốn gặp khó khăn do dịch COVID-19, ngân hàng hỗ trợ thế nào?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục