Hà Nội gỡ khó giải phóng mặt bằng tại huyện Đan Phượng

15:11' - 02/11/2018
BNEWS Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng kiến nghị UBND thành phố quan tâm, giúp đỡ giải quyết những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng của một số dự án trên địa bàn huyện.

Ngày 2/11, tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng lãnh đạo các sở, ngành của thành phố, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng kiến nghị UBND thành phố quan tâm, giúp đỡ giải quyết những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng của một số dự án trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện đề nghị thành phố cho áp dụng cơ chế đặc thù đối với các hộ bị thu hồi đất diện tích dưới 30%.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN

Ghi nhận kiến nghị của huyện Đan Phượng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố khẩn trương phối hợp với UBND huyện Đan Phượng nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp với quy định pháp luật, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng tại huyện Đan Phượng, sau đó hoàn thành báo cáo, đề xuất với UBND thành phố trước ngày 15/11/2018, để kịp thời xem xét, giải quyết.

Trước đó, trong 7 dự án mà UBND huyện Đan Phượng kiến nghị, UBND thành phố Hà Nội đã giải quyết cơ chế đặc thù cho 3 dự án, gồm: Dự án nhà máy nước xã Tân Lập, Dự án xây dựng Trường Trung cấp nghề công nghệ Tây An tại xã Tân Hội và Dự án công viên Vĩnh Hằng tại xã Tân Lập.

Cụ thể, tại Công văn số 1097/UBND-TNMT ngày 4/2/2013, UBND thành phố Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo đồng ý cho UBND huyện Đan Phượng lập, thẩm định phê duyệt hỗ trợ khác bổ sung về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo đề xuất của liên ngành tại mục 2 Tờ trình số 29/TTr-BCĐ ngày 10/1/2013 của Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội, đảm bảo kinh phí do chủ đầu tư bố trí chi trả...

Đối với 4 dự án trên địa bàn huyện Đan Phượng còn vướng mắc, liên quan đến việc bị nhà nước thu hồi đất nông nghiệp chưa đến 30% tại thời điểm Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND ngày 29/9/2008 của UBND thành phố có hiệu lực (các năm 2008, 2009), UBND huyện Đan Phượng tiếp tục đề nghị UBND thành phố Hà Nội chấp thuận hỗ trợ bàn giao đất ở có thu tiền sử dụng đất cho các hộ với diện tích hỗ trợ không quá 80m2 đất ở/1 hộ, với tổng số hộ 288 hộ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra hạ tầng tại các khu đất dịch vụ tại xã Tân Lập và Liên Hà. Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN

Trong đó bao gồm: 170 hộ bị nhà nước thu hồi đất nông nghiệp dưới 30% để thực hiện dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đoạn qua xã Tân Lập; 84 hộ bị nhà nước thu hồi đất nông nghiệp dưới 30%, để thực hiện dự án khu nhà ở xã Tân Lập; 14 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp dưới 30% để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ xã Tân Hội; 20 hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp dưới 30%, để thực hiện dự án mương tiêu thoát nước xã Tân Hội.

Về vấn đề này, theo báo cáo của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, việc UBND huyện Đan Phượng đề nghị xem xét giải quyết kiến nghị của các hộ dân khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp chưa đến 30% đất nông nghiệp là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Văn phòng đã kiến nghị UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng UBND huyện kiểm tra, rà soát, thống kê các trường hợp hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp chưa đến 30% đất nông nghiệp được giao theo Nghị định số 64/CP, để thực hiện các dự án cụ thể trên địa bàn huyện Đan Phượng.

Đồng thời, các cơ quan liên quan và huyện có báo cáo, đề xuất về thời điểm lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường của các hộ; diện tích đất nông nghiệp được giao còn lại; giấy ghi nhận diện tích thu hồi kèm theo; công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ để UBND thành phố Hà Nội xem xét giải quyết theo quy định pháp luật./.

Xem thêm:

>>Hà Nội sẽ thanh tra hai “điểm nóng” về đất đai tại Thanh Trì

>>Giải phóng mặt bằng tuyến đường kết nối vùng kinh tế trọng điểm gặp khó

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục