Hà Nội hỗ trợ nông dân tiếp tục tổ chức sản xuất

16:48' - 21/09/2021
BNEWS Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội có những chính sách cụ thể hỗ trợ người nông dân tiếp tục tổ chức sản xuất, để không đứt gãy chuỗi cung ứng.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho nhiều nông dân, hợp tác xã, chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp... gặp nhiều khó khăn, gây ra tâm lý thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng chờ trạng thái bình thường mới.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội có những chính sách cụ thể hỗ trợ người nông dân tiếp tục tổ chức sản xuất, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là khi thị trường cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, đơn vị đề xuất thành phố hỗ trợ phát triển sản xuất cây màu vụ Đông theo hướng hàng hóa cho cây ngô, đậu tương, khoai tây như hỗ trợ giống, bảo vệ thực vật, chi phí làm đất... với kinh phí 76,825 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố giao về các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện.

Đồng thời, đề nghị thành phố cho phép các huyện mở rộng tối đa diện tích nhóm cây này (có năng suất cao vừa làm lương thực, thực phẩm vừa là nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, thời gian bảo quản lâu, thị trường dồi dào) và sử dụng ngân sách của quận, huyện để hỗ trợ theo mức hỗ trợ của thành phố.

Bên cạnh đó, sở cũng đề xuất hỗ trợ sản xuất rau vụ đông đảm bảo an toàn thực phẩm như sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, dùng màng che phủ vải không dệt... Thành phố Hà Nội đã phê duyệt nội dung này để Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện, tuy nhiên diện tích chưa nhiều, do vậy, cần cho phép các quận, huyện mở rộng diện tích bằng ngân sách địa phương.

Thành phố Hà Nội cũng cần hỗ trợ hóa chất xử lý môi trường khu giết mổ, các trang trại; hỗ trợ chế phẩm xử lý môi trường, chế phẩm sinh học cho các vùng nuôi thủy sản, chăn nuôi sinh học; hỗ trợ chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.

Với các mô hình điểm của thành phố, rất cần có sự hỗ trợ để nhân rộng ra các địa phương, vừa xây dựng mô hình sản xuất an toàn, vừa thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững.

Hiện nay, Hà Nội có tới 28.454 ha diện tích sản xuất rau màu các loại, cung cấp cho thị trường Thủ đô khoảng 520.000 tấn rau màu các loại. Chăn nuôi không phát sinh dịch bệnh lớn; đàn trâu hiện có 27.200 con, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2020; đàn bò 130.400 con (tăng 0,6%); đàn gia cầm 39,8 triệu con (tăng 0,4%)...

Chăn nuôi lợn phục hồi nhanh, thời điểm hiện tại, tổng đàn đã lên tới 1,37 triệu con (tăng 12,3%) sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 8 tháng ước đạt 145.600 tấn (tăng 4,1%).

8 tháng qua, lĩnh vực thủy sản của Hà Nội cũng tăng trưởng rất đáng ghi nhận, đạt khoảng 73.800 tấn, tăng 2,9%, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 72.700 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, vai trò kết nối tiêu thụ của các sở ngành, nhất là Sở Công Thương Hà Nội cần được thể hiện rõ nét hơn. Thực tế trong khoảng 2 tháng qua, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, lượng rau củ của huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Oai... sản xuất rất lớn, nhưng tiêu thụ chậm và giá rất thấp.

Trong khi đó, người dân nội đô có thời điểm phải mua rau củ với giá cao. Đây là nghịch lý mang lại bất lợi cho nhiều bên tham gia chuỗi giá trị nông sản.

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Thủ đô đã góp phần bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Khó khăn, thách thức rất lớn ở phía trước, nếu như không có hỗ trợ kịp thời của thành phố và các địa phương, ngành nông nghiệp khó có thể hoàn thành nhiệm vụ là "bệ đỡ" vững vàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kế sinh nhai cho hàng triệu nông dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục