Hà Nội linh hoạt điều chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

19:23' - 08/09/2021
BNEWS Từ đầu năm đến nay, thành phố đã gia hạn gần 19.000 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất của các doanh theo Nghị định số 52/2021/NĐ/CP của Chính phủ.

Thời gian vừa qua, Thành ủy, UBND nhân dân thành phố Hà Nội có nhiều chủ trương, chính sách và văn bản cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp “vượt bão” trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Ngoài tổ chức các cuộc đối thoại, Thành ủy, UBND luôn sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến và gặp trực tiếp khi doanh nghiệp có kiến nghị đề xuất cần tháo gỡ.

Nguồn tin từ UBND thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố đã gia hạn gần 19.000 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất của các doanh theo Nghị định số 52/2021/NĐ/CP của Chính phủ. Đây là sự nỗ lực lớn của các cơ quan chức năng trong việc gấp rút triển khai hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Để làm được công việc này, Hà Nội đã tiếp nhận gần 30.000 giấy gia hạn thuế của doanh nghiệp và người nộp thuế với số tiền đề nghị gia hạn là 8.278 tỷ đồng (tăng 30% so với thời điểm ngày 28/07/2021, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020 - gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP).

Đối với tiền thuê đất, có 1.351 người nộp thuế đề nghị gia hạn với số tiền 1.044 tỷ đồng. Đối với cá nhân kinh doanh, cơ quan thuế Hà Nội đã tiếp nhận giấy gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân của 660 hộ, với số tiền đề nghị gia hạn 20,3 tỷ đồng.

Theo tính toán của ngành thuế Hà Nội, dự kiến số thuế và tiền thuê đất đến hạn phải nộp, nhưng sẽ được gia hạn đến thời điểm 31/8/2021 là 18.937 tỷ đồng.

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công điện số 20/CĐ-UBND về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-9 trên địa bàn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã yêu cầu các ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Theo đại diện Công ty cổ phần Du lịch Thương mại (Suntravel) - một doanh nghiệp đã được hỗ trợ thuế năm 2020, việc thành phố Hà Nội luôn quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn chậm nộp một số các khoản tiền thuế là biện pháp rất kịp thời, linh hoạt để doanh nghiệp vẫn đủ sức hoạt động và trả tiền cho cán bộ, nhân viên người lao động.

Còn Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ CNC Nguyễn Trọng Lực cho biết, doanh nghiệp rất quan tâm đến các chính sách như gia hạn, giãn, giảm thuế vì phần lớn đang bị chịu hậu quả nặng nề từ dịch bệnh. Hà Nội đã luôn quan tâm, sát cánh cùng doanh nghiệp và kịp thời điều chỉnh chính sách rất linh hoạt.

Từ các thắc mắc, đề nghị nhỏ như chi phí ăn ở, đi lại của cá nhân người lao động có được hỗ trợ, miễn giảm thuế hay không đều được cơ quan thuế giải đáp kịp thời. Những điều trên không những hỗ trợ khó khăn trong hoạt động, mà còn tạo tâm lý vững tin hơn.

Mới đây, Chính phủ đã có Tờ trình số 289/TTr-CP (ngày 13/8/2021) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh, người dân chịu tác động bởi dịch COVID-19, trong đó có 3 nhóm chính sách lần đầu được đề xuất.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp thì sự hỗ trợ trên là cần thiết, cấp bách nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Theo nội dung dự thảo Nghị quyết, tiếp tục giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác như đã áp dụng năm 2020.

Đặc biệt có đến 3 nhóm chính sách lần đầu tiên được cơ quan quản lý đề xuất kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện gồm: Giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong các quý III, IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn.

Giảm 30% thuế GTGT đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh các dịch vụ (vận tải, lưu trú, ăn uống; du lịch, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác...).

Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019, 2020.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ nền kinh tế Thủ đô mà còn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, UBND thành phố Hà Nội đang tiến hành rà soát các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ để quyết liệt tổ chức thực hiện với quyết tâm sớm kiểm soát dịch bệnh.

Đồng thời, thành phố đang tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các kịch bản tăng trưởng phù hợp với tình hình thực tế sau dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục