Hà Nội: Lo ngại tình trạng tái nhiễm ở bệnh nhân mắc COVID-19

19:57' - 03/03/2022
BNEWS Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 2/3 đến 18 giờ ngày 3/3, Hà Nội ghi nhận 18.661 ca F0, trong đó có 6.418 ca tại cộng đồng; 12.243 ca đã cách ly.
Bệnh nhân phân bố tại 525 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Long Biên có 987 ca; Sóc Sơn có 958 ca; Hoài Đức có 936 ca; Hoàng Mai có 922 ca; Đông Anh có 918 ca; Nam Từ Liêm có 904 ca. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 322.222 ca.

Số ca F0 đang tăng nhanh trên địa bàn Hà Nội, trong đó có không ít ca tái nhiễm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo những người từng mắc COVID-19 vẫn có thể tái nhiễm với biến chủng Omicron và nguy cơ này đang gia tăng trên toàn cầu và thực tế này cũng đang diễn ra tại Hà Nội.

Chị Bùi Nhạn (quận Hai Bà Trưng) từng điều trị COVID-19 tại khu Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) sau khi khỏi bệnh khoảng hơn 1 tháng lại tái nhiễm. “Mấy hôm trước tôi test nhanh toàn âm tính,  nhưng nay test lại thì kết quả 2 vạch. Đợt này cơ quan tôi có mấy người cũng tái nhiễm”, chị Bùi Nhạn thông báo.

Trường hợp cháu bé N.Đ.C. (2 tuổi), ở quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cũng tái dương tính với SARS-CoV-2 chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi khỏi COVID-19. Bố cháu bé cho biết, sau khi khỏi bệnh chưa được 1 tháng, bé C. có triệu chứng nôn, họng khó chịu, test PCR dương tính với SARS-CoV-2. Lần này các triệu chứng của bé nhẹ hơn lần trước, bé chỉ bị sốt 1 ngày và khoảng 5 ngày đã có kết quả âm tính.

Hiện nay, số bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà của thành phố Hà Nội chiếm trên 90%, giảm tải đáng kể cho các khu điều trị COVID-19. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình khi các F0 điều trị tại nhà rất cao.

Anh P.L. ở Khu đô thị Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm) bị lây nhiễm COVID-19 trong một lần đi công tác và anh điều trị tại nhà. Mặc dù nhà anh bố trí các phòng ngủ riêng biệt nhưng chỉ sau vài ngày cả vợ, con anh xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Còn chị H.T. ở Bằng B, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, mặc dù nhà chị có mấy tầng nhưng để phòng ngừa lây nhiễm cũng rất khó. Từ đầu gia đình chị chỉ có cháu ngoại hơn 1 tuổi mắc COVID-19 (lây từ mẹ) được bà đưa về chăm bây giờ cả nhà chị 4 người đều mắc COVID-19.

“Ở khu Bằng B, rác thải của F0 không được khử cồn thu gom riêng mà để tập kết để lẫn lộn với rác thải sinh hoạt là nguy cơ dịch bệnh phát tán, lây nhiễm ra cộng đồng”, chị H.T. bày tỏ lo ngại.

Trong khi tại các khu điều trị, nhiều nhân viên y tế bị lây nhiễm làm hao hụt nhân lực y tế, việc cách ly, điều trị cho F0 tại nhà không đảm bảo quy định dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình cũng trở thành mối lo trong cộng đồng dân cư.

Đối với các trường hợp tái nhiễm, bác sỹ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các bệnh nhân tái nhiễm bệnh sau khoảng một tháng khỏi bệnh, triệu chứng nhẹ hơn lần đầu và được tư vấn tự cách ly điều trị tại nhà, không cần nhập viện.

Theo bác sỹ Phạm Văn Phúc, sau khi khỏi COVID-19, cơ thể người bệnh sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền...

Nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm, lần đầu tiên, người bệnh nhiễm chủng Delta, nhưng lần thứ hai có thể nhiễm chủng Omicron.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để hạn chế tái nhiễm, người dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục