Hà Nội: “Mạnh tay” xử lý vi phạm của xe chở khách: Bài 1 – Dai dẳng vi phạm tốc độ

14:50' - 16/11/2023
BNEWS Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý, nhưng các vi phạm trong vận tải khách liên tỉnh như tình trạng “ xe dù”, “bến cóc”, vi phạm tốc độ… vẫn tồn tại.

Kinh doanh vận tải không hợp đồng, không danh sách hành khách; không thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn; “xe dù”, “ bến cóc”; phương tiện không cập nhật chính xác lý lịch xe, lý lịch hành nghề của tài xế… là những  tồn tại đang xảy ra trong lĩnh vực vận tải hành khách ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước. Điều này không chỉ gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải khách mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Bài 1: Dai dẳng vi phạm tốc độ

Sau vụ xe của hãng Thành Bưởi gây tai nạn thảm khốc tại tỉnh Đồng Nai vào cuối tháng 9/2023 khiến 9 người thương vong, sáng sớm ngày 31/10/2023, tại quốc lộ 1A (thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) lại xảy ra cú va chạm liên hoàn giữa xe khách và 2 ô tô đầu kéo làm 5 người tử vong, 10 người bị thương.

>>>Thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải không thời hạn nhà xe Thành Bưởi

Chỉ trong vòng 2 tháng đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên quan đến xe chở khách khiến dư luận đặc biệt lo lắng. Sau khi tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân đã phát hiện ra hàng loạt vi phạm của doanh nghiệp vận tải và những “lỗ hổng” trong công tác quản lý.

Vi phạm tái diễn

Nguyên nhân vụ va chạm giữa xe khách Thành Bưởi với xe 16 chỗ gây hậu quả nghiêm trọng được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xác định do tài xế xe khách Thành Bưởi đã "vượt ẩu", không đảm bảo khoảng cách dẫn đến tông vào xe tải và xe ô tô 16 chỗ làm 5 người chết, 4 người bị thương. Còn nguyên nhân sơ bộ gây ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn ở Lạng Sơn làm 5 người tử vong, 10 người bị thương được cơ quan chức năng xác định là do xe ô tô 16 chỗ khi qua đoạn đường dốc, cua, do trời tối không có đèn đường, lái xe thiếu quan sát đã đâm vào phần đuôi bên trái của xe ô tô đầu kéo đang dừng đỗ rồi va chạm với xe đầu kéo ngược chiều.

Điều đáng nói, chiếc xe Thành Bưởi trong vụ tai nạn trên quốc lộ 20 qua địa bàn tỉnh Đồng Nai từng bị tước phù hiệu do vi phạm tốc độ tới 496 lần, còn chiếc xe gây tai nạn giao thông liên hoàn ở Lạng Sơn vào thời điểm gặp nạn, xe này không có dữ liệu giám sát hành trình nên không ghi nhận được tốc độ. Việc nhà xe Thành Bưởi vi phạm trong thời gian dài ở nhiều địa bàn cho thấy công tác quản lý vẫn thiếu hiệu quả, biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe.

Tại địa bàn Hà Nội, thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý, nhưng các vi phạm trong lĩnh vực vận tải khách liên tỉnh như tình trạng “ xe dù”, “bến cóc”, vi phạm tốc độ… vẫn tồn tại dai dẳng.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, qua theo dõi, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tồn tại một số đơn vị kinh doanh vận tải chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định về quy trình đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là bộ phận quản lý và theo dõi an toàn giao thông của các đơn vị vận tải dẫn đến tình trạng vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, truyền dữ liệu giám sát hành trình, vi phạm tốc độ.

Từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội đã ban hành 10 văn bản để chấn chỉnh, thu hồi phù hiệu, biển hiệu của các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm theo quy định. Tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị vận tải chưa chấp hành việc thu hồi và giao nộp phù hiệu, biển hiệu của các xe đã bị xử lý vi phạm về Sở Giao thông Vận tải Hà Nội theo quy định.

Gần đây nhất, chiều 14/11, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ký thông báo thu hồi phù hiệu của 884 xe ô tô kinh doanh vi phạm tốc độ thông qua trích xuất dữ liệu hệ thống xử lý khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam được thống kê trong tháng 9. Trong các xe bị thu hồi này, phần lớn là xe chở khách theo hợp đồng, du lịch, taxi và xe tải. Lý do thu hồi, trong vòng một tháng các xe này có từ 5 lần vi phạm tốc độ trên 1000 km xe chạy.

Trong danh sách 884 xe bị thu hồi phù hiệu có nhiều xe chở khách, xe tải vị phạm tốc độ đến vài trăm lần như 2 xe hợp đồng của Hợp tác xã thương mại dịch vụ Hà Nội Mới, thậm chí vi phạm hơn 1.000 lần như 2 xe đầu kéo của  Hợp tác xã dịch vụ vận tải Trường Hải. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện bị thu hồi phù hiệu nộp lại phù hiệu, biển hiệu về Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Trong thời gian này, đơn vị kinh doanh vận tải không được sử dụng phương tiện nêu trên để kinh doanh vận tải trong thời gian phương tiện bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Đồng thời tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của bộ phận theo dõi an toàn giao thông, yêu cầu đội ngũ lái xe nghiêm chỉnh chấp hành đúng các quy định.

Những vấn đề đặt ra

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình trước tiên là phục vụ công tác quản lý, điều hành, quản lý lái xe của doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, thực tế, cơ quan chức năng phát hiện nhiều phương tiện không có dữ liệu giám sát hành trình nên không ghi nhận được tốc độ, như trường hợp chiếc xe gây tai nạn giao thông liên hoàn ở Lạng Sơn.

Đối với trường hợp nhà xe Thành Bưởi thì qua kiểm tra hãng xe, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính nhà xe này với 8 vi phạm, trong đó nặng nhất là việc khám sức khỏe cho tài xế không đầy đủ, tiếp đến là có bộ phận quản lý, theo dõi điều kiện an toàn nhưng không làm đúng nhiệm vụ; không cập nhật chính xác lý lịch xe, lý lịch hành nghề của tài xế; có hợp đồng lữ hành, danh sách hành khách nhưng không đảm bảo yêu cầu; trên xe không có hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách kèm theo; không thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn; kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng du lịch không đúng quy định về đón, trả khách tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Các vi phạm của nhà xe Thành Bưởi và nhiều nhà xe khác diễn ra nhiều năm, nhiều người biết nhưng sau xử lý các vi phạm lại tiếp tục tái . Điều này đòi hỏi những biện pháp mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan quản lý và ngành chức năng.

Để tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp, giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng cho người dân sử dụng dịch vụ vận tải, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội đề nghị công an và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh/thành phố phối hợp và chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường thực hiện xử lý đối với các trường hợp vi phạm (vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, vi phạm tốc độ, không chấp hành quyết định về thu hồi phù hiệu, biển hiệu của các đơn vị kinh doanh vận tải) theo quy định, gửi kết quả xử lý vi phạm về Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn thành phố nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, tập trung đôn đốc quản lý lái xe, bộ phận an toàn giao thông thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm được giao theo quy định của pháp luật, chấp hành các quyết định về thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với xe ô tô đã bị xử lý vi phạm.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý vận tải kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm (nếu có) của các đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành vi không chấp hành quyết định về thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ, vi phạm thời gian làm việc của lái xe, không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội; vi phạm của bộ phận (cán bộ) quản lý và theo dõi an toàn giao thông tại đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành vi không hoạt động, hoạt động không đầy đủ (nếu có).

Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội cũng sẽ rà soát, kiểm tra dữ liệu vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, truyền dữ liệu giám sát hành trình, vi phạm tốc độ do Sở Giao thông vận tải Hà Nội khai thác từ hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam.

Sau việc thanh tra nhà xe Thành Bưởi, dư luận cho rằng, hàng loạt vi phạm của các nhà xe như: kinh doanh vận tải không hợp đồng, không danh sách hành khách; nhồi nhét hành khách dịp lễ, bắt khách dọc đường, chạy quá tốc độ… diễn ra ở nhiều nơi, nhiều người biết nhưng vẫn tái phạm. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần thanh tra toàn diện các nhà xe, không chỉ riêng nhà xe Thành Bưởi để chấn chỉnh vi phạm, lập lại trật tự trong lĩnh vực vận tải khách, đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe.

Xem thêm:

>>Bài 2: “Mạnh tay” xử lý vi phạm của xe chở khách: Bài 2 - Cần quy chế gắn trách nhiệm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục