“Mạnh tay” xử lý vi phạm của xe chở khách: Bài 2 - Cần quy chế gắn trách nhiệm

14:57' - 16/11/2023
BNEWS Vừa bị xử phạt, các tụ điểm "xe dù, bến cóc" lại tiếp tục tái diễn là thực trạng diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội.

Làm thế nào để giải quyết triệt để tình trạng này đang được ngành chức năng và chính quyền địa phương đưa ra các giải pháp.

Những điểm nóng

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội tồn tại nhiều điểm nóng “xe dù, bến cóc” như: Xung quanh các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm, Yên Nghĩa; các tuyến quốc lộ qua địa bàn thành phố như: Quốc lộ 1A, 1B, 2, 3, 5, 6, 21B, 32, đường Hồ Chí Minh…

Các tụ điểm phức tạp, tuyến đường trọng điểm tập trung nhiều xe khách vi phạm là: Đại lộ Thăng Long, Vành đai 3 trên cao, Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Tố Hữu, Kim Đồng, Giải Phóng, Pháp Vân, Trần Thủ Độ, Nguyễn Khoái,…, các đường dẫn lên xuống Vành đai 3 trên cao, khu vực cầu vượt Mai Dịch (chân cầu vượt, trạm dừng xe buýt, đường rẽ ra Hồ Tùng Mậu), Nguyễn Hoàng, Lê Đức Thọ, khu vực Công viên Hoà Bình, công viên Cầu Giấy, chân cầu vượt khu vực đường Võ Văn Kiệt – Khu công nghiệp Quang Minh, ngã tư đường Võ Văn Kiệt – quốc lộ 2, Công viên Tuổi trẻ, khu vực xung quanh Big C, Nguyễn Chánh, ngã tư KeangNam - Dương Đình Nghệ, Nguyễn Trãi,... Địa điểm các văn phòng đại diện của các xe thường xuyên vi phạm tập trung ở địa bàn các quận: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng,…

Mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng “xe dù, bến cóc” vẫn tiếp tục tái diễn. Mới đây, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội phối hợp với lực lượng Công an và chính quyền địa phương xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm theo quy định, cơ bản đã kiểm soát vi phạm tại 14 vị trí xe kinh doanh vận tải hành khách thường xuyên đón, trả khách trái quy định. Đến nay đã cơ bản xóa bỏ được 4 tụ điểm đón, trả khách trái quy định tại: số 29 - 31 Trần Thủ Độ (quận Hoàng Mai), phố Trần Vĩ (quận Cầu Giấy), 71 Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) và 78 - 79 Yên Phụ (quân Ba Đình).

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, chỉ sau hơn 1 tuần, tình trạng vi phạm lại tái diễn, người dân lại bắt gặp những xe khách, xe limousine ngang nhiên dừng đỗ đón trả khách, nhận hàng ngay giữa lòng đường trên phố Trần Vỹ (Mai Dịch, Cầu Giấy). Hay đại lộ Chu Văn An đi qua quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì (Hà Nội) biến thành bến xe tải, sau khi lực lượng chức năng đã vào cuộc giải tỏa. Tuy nhiên, không được bao lâu, “bến cóc” này lại hoạt động trở lại.

Cần giải pháp căn cơ

Để giải quyết tình trạng “xe dù, bến cóc”, các cấp, các ngành cùng Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ - CP ngày 17/01/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó tại Khoản 3 Điều 7 quy định, đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe: a) Chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết; b) Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau; c) Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh; d) Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu với UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo Công an thành phố và chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực như: Công viên, bãi đất trống, trường học, bệnh viện, văn phòng đại diện của các đơn vị vận tải là các nơi xe hợp đồng lợi dụng để dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, kịp thời xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Sở Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Cụ thể, lợi dụng kẽ hở của các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải, một số đơn vị vận tải đã lập văn phòng đại diện tại Hà Nội, sử dụng xe hợp đồng (xe dạng Limousine và xe khách) để tổ chức thu tiền, đặt chỗ, gom khách hoạt động liên tục đi các tỉnh như tuyến cố định, gây mất trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị thường được gọi là “xe hợp đồng hoạt động đón trả khách có lộ trình cố định".

Một số cá nhân sử dụng phương tiện không có phù hiệu hoạt động kinh doanh vận tải đón trả khách (chủ yếu là xe tỉnh khác về Hà Nội hoạt động). Đây là hình thức “Đưa xe vào hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh vận tải”.

Ngoài ra, các nhà xe hiện nay thường sử dụng ứng dụng thông tin điện tử: trang facebook, zalo và các trang website quảng cáo để đăng thông tin quảng cáo, bán vé, hợp thức danh sách hành khách tại các điểm văn phòng đại diện và một số chi nhánh văn phòng quanh khu vực các bến xe để tiện việc đưa, đón khách. Hành vi này lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải rất khó xử lý phạt dẫn đến hoạt động đón, trả khách tại một số vị trí rất phức tạp, để cơ quan báo chí, người dân phản ánh nhiều.

Một số phương tiện cá nhân loại 5 - 7 chỗ ngồi (Biển kiểm soát trắng, không đăng ký kinh doanh vận tải) sử dụng phần mềm công nghệ thông tin để đặt xe, ghép chuyến. Tuy nhiên, khi lực lượng kiểm tra thì hành khách trên xe đều nói là người nhà, đi cùng đoàn nên lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải không có căn cứ để xử lý vi phạm. Ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị vận tải, lái xe và một bộ phận hành khách chưa cao. Vì lợi nhuận, một số lái xe, chủ xe cố tình vi phạm.

Việc ứng dụng công nghệ, sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý phạt “nguội” vi phạm hành chính còn hạn chế; hệ thống theo dõi giám sát hành trình chưa tự động cảnh báo lỗi của các xe vi phạm, phải dùng các biện pháp thủ công để rà soát với số lượng lớn phương tiện; công cụ xử lý vi phạm qua thiết bị camera chưa được đầu tư đồng bộ..., dẫn tới công tác xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải khách còn hạn chế.

Về nội dung này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã báo cáo với Bộ Giao thông vận tải và đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam bổ sung chức năng tổng hợp thông tin trên hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thiện phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (bao gồm cả quản lý phương tiện và người lái xe).

Để tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải; thống kê các phương tiện vi phạm, địa điểm hình thành “bến cóc”, xác định rõ phương thức hoạt động của các đơn vị vận tải, nhà xe, lái xe, văn phòng đại diện, bến, bãi, trạm rửa xe, cây xăng, biển kiểm soát phương tiện,… thường xuyên vi phạm.

Từ ngày 7/11/2023 đến 18/1/2024, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra với 34 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải có nhiều xe khách hoạt động và 6 bến xe khách: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, tập trung  vào các nội dung: Điều kiện pháp lý để hoạt động; điều kiện phương tiện và công tác quản lý; nơi đỗ xe; điều kiện lái xe và công tác tuyển, quản lý lái xe; thiết bị giám sát hành trình; lắp đặt camera; lệnh vận chuyển; bộ phận quản lý theo dõi hoạt động của phương tiện; hồ sơ kê khai giá cước, niêm yết giá cước…

Đoàn cũng sẽ tiến hành kiểm tra ở những doanh nghiệp, hợp tác xã có nhiều xe khách hoạt động như: Công ty TNHH Vận tải Việt Thanh, Chi nhánh Công ty TNHH Hưng Thành, Công ty CP Ô tô khách Hà Tây, Công ty CP Xe khách Hà Nội, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Bắc Hà… Liên quan đến hoạt động này, trước đó, ngày 31/10, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng ban hành văn bản đôn đốc, nhắc nhở việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng “xe dù, bến cóc, cùng với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, cơ quan chức năng cần phối hợp cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm để thực hiện việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô; tổ chức làm việc và đề nghị các tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện ký cam kết không tái phạm cũng như giám sát việc thực hiện việc ký cam kết; thực hiện tuyên truyền trực tiếp các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho lái xe, chủ xe, hành khách đi xe thông qua công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật.

Bên cạnh đó phân công rõ trách nhiệm đối với các lực lượng của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Cảnh  sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự, Công an quận, Công an Phường và UBND các phường, xã có liên quan. Xây dựng quy chế gắn trách nhiệm của các lực lượng khi để tồn tại, phát sinh, tái diễn tình trạng vi phạm của xe khách, văn phòng đại diện, bến bãi… vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quản lý, để giải quyết triệt để các vi phạm trong hoạt động vận tải khách, vận tải hàng hóa.

Xem thêm:

>>Hà Nội: “Mạnh tay” xử lý vi phạm của xe chở khách: Bài 1 – Dai dẳng vi phạm tốc độ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục