Hà Nội mở thêm các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP

20:34' - 13/12/2021
BNEWS Ngày 13/12, tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Sở Công Thương Hà Nội đã khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

Nhằm quảng bá, giới thiệu Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến với người tiêu dùng, ngày 13/12, tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Sở Công Thương Hà Nội đã khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

Tại Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã trưng bày Gạo Bắc thơm số 7, gạo Nếp cái hoa vàng và các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thanh Oai nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng, du khách về với du lịch văn hóa, danh thắng trên địa bàn xã Tam Hưng.

Đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên có sản phẩm tham gia đánh giá và được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao với 02 sản phẩm là Gạo Nếp cái hoa vàng và Bắc thơm số 7 của huyện Thanh Oai.

Ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, Thanh Oai với tiềm năng lớn trong hoạt động sản xuất nông sản, thực phẩm của thành phố Hà Nội với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú.

Từ năm 2019 đến nay, được sự quan tâm của UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành chuyên môn đã tạo điều kiện để huyện Thanh Oai vinh dự có được 31 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP; trong đó có 30 sản phẩm 4 sao, 01 sản phẩm 3 sao.

Riêng năm 2021, toàn Thành phố Hà Nội đã xếp hạng cho trên 400 sản phẩm, riêng huyện Thanh Oai dự kiến đánh giá trên 20 sản phẩm tham gia, hiện nay các cơ sở đã hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị đánh giá trong tháng 12/2021.

Để tiếp tục thực hiện kế hoạch của thành phố, UBND huyện xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn quan trọng nhằm phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là nhiệm vụ và giải pháp trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân.

Chương trình OCOP thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn. Thông qua chương trình, người sản xuất nhận thức được tiềm năng của mình, học hỏi được các yêu cầu bắt buộc về sản xuất an toàn, bền vững, từ đó phát huy được lợi thế, nâng cao chất lượng và giá trị, mẫu mã sản phẩm.

“Huyện sẽ chú trọng phát triển sản phẩm, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cũng như các chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện được tham gia các hội chợ, giao lưu, học hỏi các đơn vị bạn, các mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài huyện gắn với chương trình xây dựng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch huyện Thanh Oai nhấn mạnh.

Cùng ngày, tại Công ty TNHH Dệt May Thành Long, huyện Mỹ Đức, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức khai mạc Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP với những sản phẩm tiêu biểu của huyện như Rượu mơ Hương Tích, lụa tơ tằm, tơ sen, khăn dệt…

Ông Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư huyện ủy Mỹ Đức cho biết, Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được đặt tại Công ty TNHH Dệt May Thành Long, bởi đây cũng là đơn vị có nhiều sản phẩm OCOP nhất, được đánh giá phân hạng trên địa bàn huyện với các sản phẩm về khăn dệt.

Cùng với trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP huyện Mỹ Đức nhằm quảng bá đến người tiêu dùng, du khách đến với Làng nghề dệt Phùng Xá.

Việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã tác động rất tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới, với gần 20 sản phẩm OCOP, đều là sản phẩm đặc trưng, truyền thống của huyện so với các địa phương khác như: rượu mơ Hương Tích, lụa tơ tằm, tơ sen… quảng bá đến người tiêu dùng và du khách đến với làng nghề, du lịch Mỹ Đức.

Ông Nguyễn Ngọc Việt  cũng cho biết, huyện Mỹ Đức với tiềm năng lớn trong hoạt động sản xuất nông sản, thực phẩm của thành phố với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú, đặc biệt là các sản phẩm của làng nghề Dệt xã Phùng Xá, các sản phẩm đặc sản của xã Hương Sơn, nơi nổi tiếng có danh lam thắng cảnh chùa Hương Di tích Quốc gia đặc biệt.

Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, được sự quan tâm của UBND thành phố và các sở, ngành của thành phố đã tạo điều kiện để huyện Mỹ Đức có được 20 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP.

Việc phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của thành phố trên địa bàn huyện Mỹ Đức nhằm giới thiệu đến khách hàng sản phẩm đặc trưng được kiểm soát và đánh giá chất lượng sản phẩm cũng như sự bảo đảm của Nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, đồng thời góp phần thúc đẩy liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng cường quảng bá các sản phẩm rộng rãi trên thị trường trong và ngoài huyện.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Chương trình OCOP có ý nghĩa lớn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống, có tiềm năng phát triển tại khu vực nông thôn, khơi dậy tiềm năng của địa phương, tăng thu nhập cho nhân dân tham gia.

Để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển, quảng bá sản phẩm OCOP và điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Mỹ Đức, Sở đề nghị UBND huyện tiếp tục quan tâm, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất sản phẩm đặc sản, đặc trưng tại địa bàn đẩy mạnh sản xuất với các mô hình hiệu quả, tham gia xây dựng và phát triển OCOP, điểm bán OCOP. /.

>>>Khai mạc Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại Ba Vì, Hà Nội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục