Hà Nội: Người trồng hoa ở Mê Linh thất thu vì thời tiết khắc nghiệt

18:17' - 22/12/2022
BNEWS Với thời tiết khắc nghiệt, nắng hanh, mưa ít, nông dân trồng hoa ở Mê Linh, Hà Nội đang lo thất thu khi các loại hoa trồng phục vụ Tết nguyên đán nở sớm, không đạt chất lượng…
Chỉ còn hơn đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, lúc này bà con trồng hoa ở huyện Mê Linh (Hà Nội) đang rất lo lắng vì thời tiết năm nay khắc nghiệt, nắng hanh, mưa ít khiến các loại hoa trồng phục vụ Tết nguyên đán nở sớm, không đạt chất lượng… khiến bà con trồng hoa bị thất thu. Dự báo hoa để phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 giá sẽ cao hơn nhiều so với năm trước.

Mê Linh là thủ phủ trồng hoa của Hà Nội, trong tổng diện tích 236 ha trồng hoa thì chủ yếu trồng hoa hồng, cúc vàng. Ngoài ra, nông dân Mê Linh còn trồng một số loại hoa khác như: Ly, loa kèn, mẫu đơn, lay ơn... để xuất đi các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và cả sang Trung Quốc. Nhưng năm nay, lượng hoa hồng, hoa cúc xuất đi các nơi giảm mạnh chỉ còn bằng 1/3 so với mọi năm, giá thành cũng giảm.

Anh Nguyễn Thế Hiệp, chủ vườn trồng hoa ở xã Mê Linh cho biết, năm nay, do thời tiết khắc nghiệt, ít mưa nên mấy sào hoa hồng nhà anh trồng để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đều nở sớm, phải cắt bỏ khiến gia đình anh thất thu khoảng 50% so với năm trước.

Anh Hiệp chia sẻ, hơn 20 năm trước, khi những hộ đầu tiên ở xã gieo giống hoa hồng Đà Lạt xuống cánh đồng toàn lúa, nhiều người đã quan tâm tìm hiểu. Từ một vài hộ trồng rồi người dân học tập làm theo. Bây giờ, chỉ riêng hoa hồng cũng có hàng trăm giống, trong đó có các giống hồng Italy, Pháp, Hà Lan. Giờ thì người Mê Linh đã thành thạo kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch hoa. Nhiều hộ còn mạnh dạn đưa vào trồng các giống hoa mới. Nhờ trồng được nhiều loại hoa hồng cho thua nhập cao, mà người dân xã Mê Linh giàu lên nhanh chóng.

Hơn 20 năm gắn bó với cây hoa chưa năm nào anh thấy thời tiết khắc nghiệt, nắng hanh nhiều, lại ít mưa như năm nay, khiến cây hoa hồng trồng để phục vụ Tết nở sớm, bông nhỏ, xấu không đạt chất lượng. Đặc biệt, năm nay do thời tiết khắc nghiệt khiến nhiều cây hoa bị đột biến ra hoa màu sắc thay đổi, chẳng hạn giống hoa hồng xanh lại ra hoa trắng hoặc hoa màu hồng hồng, màu cam đỏ. Những đột biến đó cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng hoa, đến thu nhập của người trồng hoa vì hoa không đạt chất lượng theo yêu cầu của thị trường- anh Hiệp thông tin.

Không chỉ có gia đình anh Hiệp mà nhiều gia đình trồng hoa khác ở xã Mê Linh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Gặp anh Nguyễn Văn Tám đang chăm sóc ruộng hoa hồng trên đường vào xã, anh cho biết: Gia đình có 2 mẫu hoa, mùa này, trồng chủ yếu là hoa hồng, hoa cúc.  Hiện nhà anh cũng đang trồng hoa ly để phục vụ cho dịp Tết, năm nay một củ giống hoa ly khoảng 30.000 đồng, một sào hoa ly cũng vào khoảng 130 - 140 triệu đồng. Ngoài trồng hoa ở làng, anh Tám còn thuê thêm 1ha ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai) để trồng hoa hồng, hoa ly.

Nhưng năm nay, thời tiết khắc nghiệt, nắng hanh mưa ít khiến cây hoa gặp sâu bệnh chết nhiều, hoặc có phát triển cũng không nảy bông, khiến người trồng hoa thất thu. Anh hy vọng từ nay đến Tết nguyên đán Quý Mão thời tiết thuận lợi, có mưa nhiều hơn để cho hoa phát triển, người trồng hoa có thu hoạch- anh Tám chia sẻ.

Hàng năm, trồng một sào hoa hồng, bình quân cho thu hoạch vào khoảng từ 60 đến 80 triệu đồng/sào/năm. Nhưng năm nay, người trồng hoa hồng ở Mê Linh chỉ thu được khoảng 30 đến 40 triệu đồng/sào/năm. Đối với hoa cúc năm nay người trồng cũng bị thua lỗ khoảng 40-50%.

Đối với hoa ly là cây ngắn ngày và chỉ được người dân Mê Linh trồng chủ yếu để phục vụ Tết, nhưng với thời tiết khắc nghiệt, ít mưa, khiến cây hoa ly cũng khó để ra bông to, nhiều tai, thậm chí nhiều cây còn không nảy được bông. Trong khi người trồng ly phải đầu tư 30.000 đồng/củ giống, với một sào hoa ly với vốn bỏ ra khoảng 130 triệu đồng- 140 triệu đồng. Anh Nguyễn Thế Hiệp, chủ vườn hoa ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội) dự báo, với thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, dự báo hoa ly loại 1 phục vụ Tết Quý Mão năm 2023 chắc chắn phải từ 650.000 - 800.000 đồng/1 chục. 

Mê Linh không chỉ nổi tiếng về giàu kinh nghiệm trồng hoa, mà còn liên kết với nhau trong sản xuất. Xã đã thành lập được 1 câu lạc bộ hoa cây cảnh; 3 câu lạc bộ nông dân giúp nhau phát triển kinh tế hoạt động rất hiệu quả. Hằng năm, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các công ty cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới, hướng dẫn bà con sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng cách.

Anh Hiệp cho biết, các hộ dân trồng hoa ở đây chấp nhận sử dụng thuốc trừ sâu sinh học đắt hơn 2 đến 3 lần so với thuốc trừ sâu hóa học, nhưng chủng loại và tác dụng trị bệnh của thuốc này vẫn chưa cao. Bà con đề nghị Nhà nước tăng cường nghiên cứu để có nhiều loại thuốc trừ sâu sinh học tốt đáp ứng nhu cầu sản xuất sạch.

Bên cạnh đó, do đô thị hóa, công nghiệp hóa nên các kênh tiêu thoát nước ở đây bị bồi lắng lâu ngày không được nạo vét, cho nên không trữ được nước khi mùa hanh khô và rất chậm tiêu nước vào mùa mưa. Cây hoa ngập nước một đến hai ngày là ảnh hưởng đến chất lượng khiến người dân chăm sóc phục hồi rất vất vả. Hay như hiện nay, trời hanh khô ít mưa kênh mương này cạn kiệt không có nước để phục vụ cho cây trồng. Vì vậy, bà con đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ hạ tầng sản xuất nông nghiệp tốt hơn để người làng hoa yên tâm sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục