Hà Nội: Rượu "nấu lậu" được bán tràn lan

07:54' - 26/05/2017
BNEWS Kiểm tra trên địa bàn Hà Nội chỉ có 5 cơ sở trong số gần 5.000 cơ sở sản xuất rượu có giấy phép kinh doanh.
Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm và rượu tại một nhà hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

Theo Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an thành phố Hà Nội, chỉ có 5 cơ sở trong số gần 5.000 cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn Hà Nội có giấy phép kinh doanh.

Rượu “nấu lậu” bán tràn lan trên địa bàn trong khi người dân vẫn còn thói quen sử dụng rượu sản xuất thủ công, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây chính là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc rượu nguy hại xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua.

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội, 29 bệnh nhân đã bị ngộ độc methanol do uống rượu. Bệnh nhân uống rượu tại nhiều địa chỉ khác nhau với các loại rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.

Để ngăn ngừa các vụ ngộ độc rượu tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, Thượng tá Phùng Quang Hiển cho rằng, lực lượng chức năng cần tăng cường tuyên truyền an toàn thực phẩm đến người dân, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, trường đại học, bếp ăn tập thể, khu tập trung công nhân lao động tự do.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cần có quỹ hỗ trợ lực lượng chức năng kinh phí giám định các sản phẩm nghi vấn có sử dụng chất cấm. Mỗi quận, huyện, thị xã phải có kho bảo quản tang vật đủ tiêu chuẩn để các lực lượng chức năng, công an khi kiểm tra, thu giữ các sản phẩm hàng hóa có nơi tạm giữ, bảo quản.

Theo Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã kiểm tra 13.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có bán rượu; phát hiện và niêm phong trên 100 nghìn lít rượu; trên 1.300 chai rượu các loại…Các đoàn kiểm tra đã cảnh cáo, xử lý 1.480 cơ sở; tiêu hủy hơn 24 nghìn lít rượu không nguồn gốc; phạt trên 3,28 tỷ đồng.

Qua xét nghiệm gần 3.800 mẫu rượu, phát hiện 5 mẫu có methanol vượt giới hạn cho phép gồm: một mẫu tại gia đình bệnh nhân Nguyễn Đình Chính ở quận Thanh Xuân, một mẫu tại cửa hàng cơm số 1 Trung Liệt – Đống Đa; một mẫu ở cơ sở cơm Vĩnh Thành, số 95 khu giãn dân Mộ Lao (Hà Đông); hai mẫu tại quán cơm 38 Chùa Láng (quận Đống Đa).

Hiện nay, việc quản lý cơ sở sản xuất, bán rượu thủ công nhỏ lẻ tiêu dùng tại chỗ gặp nhiều khó khăn, khó kiểm soát. Khó khăn nhất chính là việc một số hộ kinh doanh tạp hóa có bán rượu không có giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu, bán rượu không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm còn mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm, đặc biệt là tuyến xã, thị trấn chưa có cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm.

Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống ngộ độc methanol, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tiếp tục thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, pha chế, kinh doanh rượu, tập trung vào rượu pha chế thủ công;

Kiểm tra nguồn gốc rượu tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn; tổ chức điều tra, truy nguyên nguồn gốc rượu liên quan đến các bệnh nhân ngộ độc methanol; truy xuất nguồn gốc rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm./.

Xem thêm:

>>> Bia rượu là nguyên nhân của 200 loại bệnh tật

>>> Ngộ độc rượu vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục