Hà Nội sẽ cấp biển nhận diện hộ kinh doanh an toàn thực phẩm

17:00' - 28/07/2022
BNEWS Sở Công Thương Hà Nội đang có đề án kiểm soát an toàn thực phẩm trong chợ, sắp tới cấp biển nhận diện cho hộ kinh doanh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn.
Ngày 28/7, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Việt Nam” tổ chức hội nghị giao ban chỉ đạo 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Ban Chỉ đạo cho biết, việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các trung tâm thương mại chặt chẽ, Sở Công Thương Hà Nội đang có đề án kiểm soát an toàn thực phẩm trong chợ, sắp tới cấp biển nhận diện cho hộ kinh doanh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, cùng với sự vào cuộc của các đơn vị đa dạng phong phú hơn so với năm trước, sản phẩm hàng hóa quảng bá trên thị trường Hà Nội cũng nhiều chủng loại, chất lượng tốt, giá cả hợp lý, được người dân đón nhận. Qua đó, đóng góp cho phát triển kinh tế của Thủ đô trong 7 tháng, chỉ số phát triển, chỉ số bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu…. tăng mạnh.
Mặc dù, tình hình lạm phát xảy ra trên thế giới tăng cao, song Việt Nam đang làm tốt nhiệm vụ kiềm chế lạm phát. Từ nay đến cuối năm, Hà Nội tập trung cao độ để kiềm chế lạm phát không vượt 4% (vượt chỉ tiêu quốc hội giao).
6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, nguy cơ lạm phát tăng cao; phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp về nguồn vốn, giá thành đầu vào nguyên vật liệu cho sản xuất tăng cao tác động đến giá thành sản phẩm; xăng giảm chỉ là 1 góc độ rất nhỏ trong cấu thành sản xuất, chỉ góp 1 phần nhỏ vào yếu tố logistic. Vì vậy, Hà Nội sẽ phối hợp chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Về phía các doanh nghiệp phân phối bán lẻ, chủ động lựa chọn các điểm bán hàng mở cửa trở lại phục vụ nhân dân dịp trong và sau Tết, hạn chế tình trạng lợi dụng đẩy giá bán lên cao tại các chợ truyền thống.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thị trường Hà Nội vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, giảm lòng tin của người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hường, Trưởng Ban hỗ trợ phát triển kinh tế Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội cho biết, Hội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị thành viên triển khai đến các cấp hội, giám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ để đưa vào chỉ tiêu thi đua; đề xuất với thành ủy về phụ nữ kết nối hàng nông sản, hàng Việt Nam để có các giải pháp thúc đẩy hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố.
Là một trong những đơn vị làm rất tốt việc triển khai cuộc vận động, ông Vũ Ngọc Hoà – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam quận Hai Bà Trưng cho biết, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cuộc vận động đến các cấp phường, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như các cuộc họp của tổ dân phố, sinh hoạt của các đoàn thể, băngrôn, loa phường… tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ người tiêu dùng…
Ủy ban Mặt trận tổ quốc quận xây dựng kế hoạch với các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn quận phối hợp tuyên truyền, tổ chức thành công chương trình tiêu dùng thông minh, người Việt chủ động lựa chọn hàng Việt, tặng quà cho người tiêu dùng… Hàng năm quận giới thiệu lên Sở Công Thương 30 doanh nghiệp tham gia bình chọn chương trình “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động cho rằng, vẫn còn một số thành viên Ban Chỉ đạo chưa quan tâm đến vai trò, trách nhiệm của mình đối với các hoạt động của Ban Chỉ đạo; trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu, nhãn mác của sản phẩm, hàng hóa.
Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường rất tích cực, chủ động trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng… song do lợi nhuận cao, với các thủ đoạn tinh vi, các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng phức tạp.
Để triển khai tốt nhiệm vụ trọng tâm thực hiện cuộc vận động 6 tháng cuối năm, đề nghị các quận huyện làm tốt công tác tuyên truyền, chú trọng giới thiệu, tôn vinh sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”… từ đó lan tỏa niềm tự hào hàng Việt đến với người dân.
Triển khai các hội hội chợ, chương trình khuyến mại, giảm giá, chương trình kích cầu nội địa, kết nối giao thương,… Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2022; tổ chức bình chọn, chấm thi công khai minh bạch, Sở Công Thương Hà Nội cung cấp thông tin thường xuyên cho ban chỉ đạo để Ban Chỉ đạo cập nhật, đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo cùng vào cuộc bảo đảm chất lượng, hiệu quả cuộc bình chọn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục