Hà Nội sẽ kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

19:19' - 20/08/2021
BNEWS Mục tiêu kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội nhằm đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, có trọng tâm, trọng điểm, đúng khu vực, đúng đối tượng nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
“Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố ban hành Công điện mới về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết tại cuộc họp ngày 20/8, thông tin với báo chí về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Mục tiêu kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội nhằm đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, có trọng tâm, trọng điểm, đúng khu vực, đúng đối tượng nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; tăng cường tiêm vaccine cho người dân, nâng cao năng lực cho y tế Thủ đô; chủ động hơn một bước sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh.

Báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 2.695 ca mắc, trong đó có 1.262 ca ghi nhận ngoài cộng đồng. Đặc biệt, thành phố hiện có 10 chùm ca bệnh, trong đó chùm nhiều ca mắc nhất là 115 ca. Thành phố đã bố trí và kích hoạt 10.600 giường điều trị. Tính đến 12 giờ ngày 20/8, thành phố còn 99/464 điểm phong tỏa.

Tranh thủ tối đa “thời gian vàng”, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực, mọi biện pháp đẩy nhanh công tác xét nghiệm kết hợp truy vết, đánh giá nguy cơ lây nhiễm để trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để các F0 ra khỏi cộng đồng, kiểm soát để dịch bệnh không lây lan, bùng phát.

Riêng trong đợt 1, toàn thành phố đã lấy được 322.925 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, đạt 107,6% kế hoạch, qua đó phát hiện được 29 ca mắc COVID-19, còn lại âm tính. Đợt 2 đã lấy được 421.108 mẫu, đạt 48,8% kế hoạch, trong đó phát hiện 18 ca dương tính, 107.259 mẫu âm tính, còn lại đang thực hiện xét nghiệm.

Đối với công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, tổng cộng đã có 10 đợt phân bổ vaccine với 1.919.500 liều các loại. Đến nay, thành phố đã tiêm được 1.710.521 liều, đạt 20,6%; công nhân tại khu công nghiệp được tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt 48,5%.

Trong công tác cách ly tập trung, thành phố hiện có 135 cơ sở cách ly có quyết định thành lập gồm: 20 cơ sở do thành phố thành lập, 9 cơ sở trong doanh trại quân đội, công an quản lý và 106 cơ sở tại các quận, huyện, thị xã, có khả năng tiếp nhận ngay cách ly 42.982 người; hiện đang cách ly 5.120 người.

Thông tin tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố đã chuẩn bị cho 3 giai đoạn, với 10.000, 20.000, 30.000 giường điều trị và hiện đã xong giai đoạn 1. Thành phố tranh thủ thời gian này để thành lập thêm các khu cách ly tập trung xa trung tâm, hiện đã vận hành được 30.000 chỗ, đang chuẩn bị tiến tới 70 nghìn và 100 nghìn chỗ. Thực tế cho thấy, đây là những hướng đi đúng.

Đồng thời, thành phố chỉ đạo các cơ quan ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào phòng chống dịch. Trong đó, nâng cấp Trung tâm Cấp cứu 115, kết nối tất cả các xe cấp cứu, tập huấn và chuẩn bị thêm 500 xe taxi quản lý bằng phần mềm để phục vụ nhanh chóng cho công tác cấp cứu. Thành phố đang thử nghiệm phần mềm quản lý F1 có liên thông với F0, đảm bảo chặt chẽ, khoa học để chủ động trong trường hợp có nhiều F1.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, trong thời gian qua, thành phố đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của nhân dân, nhiều cơ sở đã chủ động, tự nguyện thiết lập "vùng xanh", huy động được lực lượng rất lớn nhân dân tham gia.

“Đây là việc làm rất hiệu quả giúp quản lý từ cơ sở và giảm gánh nặng cho lực lượng tuyến đầu, huy động được sự vào cuộc của nhân dân với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng nguy cơ vẫn rất cao. Phó Bí thư Thành ủy phân tích, vẫn còn có F0 trong cộng đồng; dịch bệnh ở phía Nam và các tỉnh lân cận Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp; một số mục tiêu của việc giãn cách đặt ra như hạn chế mức thấp nhất người ra đường vẫn chưa đạt được.

“Do vậy, nếu không tiếp tục thực hiện chống dịch quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn nữa, tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy cho biết, thành phố đã có chủ trương sau khi dịch bệnh giảm đi, thành phố sẽ dùng 500 tỷ đồng từ vốn ngân sách của thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm. Cùng với đó, Hà Nội triển khai hỗ trợ một số nước bạn trong phòng, chống dịch; hỗ trợ bằng tiền mặt, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho Thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía Nam.

“Hà Nội cảm ơn sự hỗ trợ của các tỉnh, thành bạn, đã chia sẻ một phần khó khăn đối với Hà Nội trong thời gian qua”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh./.

>>Thông tin "Sẽ không cho người dân di chuyển trong 7 ngày" là giả mạo, sai sự thật

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục