Hà Nội sẽ vay lại vốn vay ODA bổ sung dự án xây cầu Nhật Tân

14:17' - 05/07/2018
BNEWS Hà Nội sẽ vay lại 50% khoản vốn dư từ Hiệp định vay của JICA để thanh toán chi phí bổ sung gói thầu số 1 và gói thầu số 3 thuộc dự án xây dựng cầu Nhật Tân và tuyến đường hai bên đầu cầu.
Cầu Nhật Tân được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ vay lại 50% khoản vốn dư từ Hiệp định vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tương đương khoảng 225,8 tỷ đồng để thanh toán chi phí bổ sung gói thầu số 1 và gói thầu số 3 thuộc dự án xây dựng cầu Nhật Tân và tuyến đường hai bên đầu cầu do kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và tuyến đường hai bên đầu cầu là dự án của Trung ương đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội, sử dụng 2 nguồn vốn Trung ương (vốn ODA và vốn trong nước) và ngân sách thành phố Hà Nội. Dự án với mục tiêu góp phần hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 phía Bắc thành phố Hà Nội, nhằm giảm ách tắc giao thông, phát triển đô thị và giãn mật độ dân cư, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Theo kế hoạch, việc xây dựng cầu Nhật Tân dài khoảng 3,9km, chiều rộng cầu 33,2m và đường hai đầu cầu với tổng chiều dài gần 4,4km. Dự án bao gồm 3 gói thầu chính là gói thầu số 1 - xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía bắc, gói thầu số 2 - xây dựng cầu dẫn và đường dẫn phía nam, gói thầu số 3 - xây dựng đường dẫn phía bắc.

Tổng mức đầu tư dự án là hơn 13.600 tỷ đồng, gồm hơn 10.000 tỷ đồng vốn vay từ JICA (Nhật Bản) cho công tác xây lắp, tư vấn; vốn đối ứng trong nước là hơn 3.500 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 2.442 tỷ đồng cho quản lý dự án, thuế các chi phí khác và dự phòng, vốn ngân sách thành phố Hà Nội 1.066 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Về tổ chức thực hiện, Ban quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) là chủ đầu tư thực hiện các công việc xây lắp với giá trị gần 12.600 tỷ đồng. UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thực hiện dự án thành phần đền bù, giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách thành phố với tổng kinh phí thực hiện hơn 1.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, gói thầu số 1 và gói thầu số 3 chậm tiến độ, phát sinh chi phí. Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thực hiện hợp đồng với gói thầu số 1 là 36 tháng, tổng giá trị hợp đồng là hơn 7.700 tỷ đồng, toàn bộ mặt bằng của gói thầu số 1 được bàn giao trước tháng 3/2010. Nhưng, tiến độ thực hiện bị kéo dài thêm 26 tháng, chi phí phát sinh khoảng 288 tỷ đồng do phải điều chỉnh phương án giải phóng mặt bằng cho phù hợp với quy định mới, dẫn đến kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng.

Với gói thầu số 3, kế hoạch ban đầu quy định thời gian thực hiện hợp đồng là 34 tháng với tổng giá trị hợp đồng là hơn 1.800 tỷ đồng, toàn bộ mặt bằng của gói thầu được bàn giao trước tháng 6/2009.

Do tiến độ bàn giao mặt bằng chậm trễ, chia thành nhiều lần đến tháng 3/2012 mới hoàn thành nên công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, phát sinh nhiều hạng mục nên phải gia hạn thời gian hoàn thành dự án thêm 27 tháng so với hợp đồng gốc, chi phí phát sinh khoảng 157 tỷ đồng.

Cụ thể, do có sự thay đổi hướng tuyến công trình dẫn đến việc giải phóng mặt bằng từ nút giao Vĩnh Ngọc đến cuối tuyến phải thực hiện lại từ đầu, đồng thời phải điều chỉnh hồ sơ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn.

Song, công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp khó khăn do diện tích thu hồi lớn, phải di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, việc hạ ngầm đường điện cao thế 110kV ngay phạm vi nút giao Vĩnh Ngọc là môt dự án lớn, phức tạp và phải thực hiện thủ tục như một dự án độc lập theo quy định của pháp luật… dẫn đến việc kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng so với hợp đồng thi công gói thầu.

Ngoài ra, việc xác định thời gian thi công, ký kết hợp đồng gói thầu thi công chưa lường hết khối lượng phải thực hiện giải phóng mặt bằng cũng như những phát sinh trong quá trình thực hiện và quản lý hợp đồng cũng là nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài dự án và phát sinh chi phí.

Ngày 16/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 2295/TTg-QHQT về việc thanh toán khoản chi phí do kéo dài thời gian thực hiện gói thầu số 1 và gói thầu số 3 thuộc dự án, chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm vay lại 50% khoản vốn dư từ Hiệp định vay JICA theo các điều kiện vay lại theo quy định hiện hành để thanh toán chi phí bổ sung do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thêm, giá trị vay lại được xác định là gần 226 tỷ đồng, thời hạn trả nợ gốc là 30 năm, lãi suất cho vay lại là 0,2%/năm/dư nợ vay lại. Tổng giá trị trả nợ bao gồm cả gốc và lãi là gần 237 tỷ đồng. Theo đó, giá trị vay lại với gói thầu số 1 là hơn 157 tỷ đồng, giá trị vay lại với gói thầu số 3 là hơn 68 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2018, Hà Nội dư nợ huy động tối đa gần 66.000 tỷ đồng, dư nợ dự kiến đến 2020 của thành phố là 15.170 tỷ đồng. Căn cứ vào các số liệu dư nợ trên, việc vay lại một phần chi phí phát sinh gói thầu số 1 và gói thầu số 3 của dự án không làm vượt hạn mức vay nợ của thành phố.

Theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, Ban Kinh tế - Ngân sách cơ bản thống nhất với việc vay lại một phần vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản như UBND thành phố trình. Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội cần làm rõ ngày bắt đầu nhận nợ, số nợ tương ứng từng đợt nhận nợ, số liệu dư nợ tương ứng trong các ngày giải ngân, số lãi phải trả.

Đồng thời, Ban kiến nghị Hội đồng nhân dân thành phố giao UBND thành phố xây dựng kế hoạch tổng thể vay, trả nợ của ngân sách thành phố, tổng hợp và cân đối chung kế hoạch trả nợ gốc và lãi của các khoản vay hiện tại và tương lai để đảm bảo cân đối ngân sách./.

>>> Để được vay lại từ nguồn vốn vay ODA, địa phương cần điều kiện gì?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục