Hà Nội siết chặt quản lý bán hàng đa cấp

09:20' - 28/10/2017
BNEWS Trước những diễn biến phức tạp của hoạt động bán hàng đa cấp, các cơ quan quản lý đặc biệt là Thành phố Hà Nội đã tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Hà Nội siết chặt quản lý bán hàng đa cấp. Ảnh minh họa: TTXVN

Trước những diễn biến phức tạp của hoạt động bán hàng đa cấp, xuất hiện nhiều dấu hiệu vi phạm, hành vi lừa đảo của các doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp "đánh" vào sự hám lời, cả tin của người dân để lừa đảo.

Để ngăn chặn hành vi vi phạm này, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế chính sách cho phép Sở Công Thương được quyền xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp và có sự giám sát của người dân.

Khó kiểm soát

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hoạt động bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh truyền miệng, rất khó kiểm soát về mặt thông tin, được thực hiện bởi hệ thống người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh và số lượng người tham gia lớn.

Vì vậy khi xảy ra việc lừa đảo trên mô hình bán hàng đa cấp thì sẽ liên quan đến số lượng người rất lớn và giá trị lừa đảo cũng rất cao, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Thực tế những năm qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, nhiều người dân bị thiệt hại số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Các hình thức vi phạm của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp rất đa dạng, tinh vi như doanh nghiệp, người bán hàng đa cấp tư vấn sai, mập mờ, không rõ ràng để người dân hiểu sai bản chất và tự nguyện thực hiện hoặc tư vấn cho chính người thân quen của mình.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp biến tướng dưới nhiều dạng kinh doanh đẩy nhiều người dân, nạn nhân vào chỗ điêu đứng, từ hoạt động kinh doanh bất động sản, hợp đồng góp vốn kinh doanh, đầu tư, tiền ảo qua mạng,… đều núp bóng hình thức bán hàng đa cấp gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Theo phản ánh của người dân đã bị rơi vào bẫy lừa của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, họ thường dùng các chiêu trò như giới thiệu, tư vấn người dân đầu tư, nộp tiền, tham gia.

Cụ thể, các công ty tư vấn cho người dân mua một mã số trị giá gần 12 triệu đồng và hứa trả 25 triệu đồng trong vòng 1- 3 năm (công ty trả 3 lần…); mua càng nhiều mã, càng được hưởng chế độ cao hơn rất nhiều; sau vài tháng sẽ thu lại vốn, gốc, khoảng 1 năm thì có vài tỷ….

Hoặc thuyết phục người dân tham gia hệ thống bằng cách mua các mã sản phẩm trị giá 46 triệu đồng vì công ty đang có chương trình khuyến mại vàng, nếu tham gia thì không những nhận được sản phẩm mà sau 1-2 năm “thoát ra” cũng sẽ nhận được số tiền rất lớn là 138 triệu đồng và coi như là hình thức tiết kiệm cho tuổi già,…

Trên thực tế, bán hàng đa cấp chủ yếu tập trung vào 2 nhóm mặt hàng là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, chiếm 92% doanh thu, trong đó riêng thực phẩm chức năng chiếm tới 72%, còn doanh thu từ đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chiếm 3%.

Tổng số hoa hồng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 986 tỷ đồng, chiếm khoảng 32% tổng doanh thu toàn ngành.

Điều đáng nói là số tiền chi trả hoa hồng cho bán hàng đa cấp khá nhiều nhưng nếu chia đều cho gần 362.000 người đang tham gia bán hàng đa cấp thì thu nhập bình quân chỉ khoảng 2,7 triệu đồng/người/năm.

Cần sớm ban hành nghị định quản lý

Trước những diễn biến phức tạp của hoạt động bán hàng đa cấp, các cơ quan quản lý đặc biệt là Thành phố Hà Nội đã tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 31 doanh nghiệp đang hoạt động bán hàng đa cấp, giảm 8,8% so với cuối năm 2016; giảm 45,6% so với tổng số doanh nghiệp đã thông báo hoạt động theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP.

Mặc dù số lượng các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm, nhưng dấu hiệu vi phạm, lừa đảo và biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp vẫn diễn ra phức tạp với nhiều hình thức tinh vi hơn như kinh doanh tiền ảo theo hình thức đa cấp…

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số quy định tại các văn bản có liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp còn chưa chặt chẽ, không phù hợp với thực tế.

Cụ thể, Nhà nước chưa có quy định về kiểm soát giá của sản phẩm bán hàng đa cấp, lợi dụng lỗ hổng này doanh nghiệp bán hàng đa cấp bán giá cao gấp hàng trăm lần so với giá mua vào gây thiệt hại cho người dân.

Không chỉ có vậy về thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp mặc dù đã được quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Thông tư 24/2014/TT-BCT về quản lý bán hàng đa cấp... nhưng khi Sở Công Thương phát hiện sai phạm lại không có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, mức xử lý vi phạm cao nhất đối với doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp vi phạm quy định tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP chỉ từ 30 - 50 triệu đồng, người tham gia bán hàng đa cấp chỉ xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng nên không đủ sức răn đe.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để kiểm soát được hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, Bộ Công Thương cần kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP và Thông tư số 24/2014/TT-BCT theo hướng cho phép Sở Công Thương được quyền xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Đồng thời Bộ Công Thương đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công an tiếp tục điều tra, xác minh đối với các dấu hiệu lừa đảo người dân qua đó xử lý nghiêm minh, kịp thời các hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng.

>>>Xử nghiêm các doanh nghiệp vi phạm kinh doanh đa cấp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục