Hà Nội tăng phí sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện từ 50 - 300%

20:44' - 05/12/2017
BNEWS HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện.
HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện. Ảnh: TTXVN

Chiều 5/12, tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa XV, với 100% đại biểu nhất trí, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện.

Theo đó, phí sử dụng dỉện tích trông giữ ô tô tăng thấp nhất là 50%, tăng cao nhất là 300%; mức thu phí sử dụng diện tích trông giữ xe đạp, xe máy tăng thấp nhất là 5.000 đồng/m2/tháng và cao nhất là 90.000 đồng/m2/tháng tùy theo khu vực.

Cũng tại phiên họp chiều 5/12, HĐND thành phố đã biểu quyết nhất trí chốt danh sách bầu bổ sung ủy viên UBND thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo đó, các ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch; Nguyễn An Huy - Chánh Thanh tra thành phố; Ngô Anh Tuấn - Giám đốc Sở Tư pháp đã trúng cử ủy viên UBND thành phố khóa XV nhiệm kỳ 2016 - 2021.

* Giá trông giữ xe tăng phù hợp, tiệm cận với giá thị trường

Theo đó, Hà Nội điều chỉnh mức thu phí sử dụng dỉện tích trông giữ ô tô tăng thấp nhất là 50% và tăng cao nhất là 300% so với mức cũ, với giá trị tuyệt đối tăng tương ứng từ 20.000 đồng/m2/tháng đến 160.000 đồng/m2/tháng; mức thu phí sử dụng diện tích trông giữ xe đạp, xe máy tăng thấp nhất là 5.000 đồng/m2/tháng và cao nhất là 90.000 đồng/m2/tháng tùy theo khu vực, tuyến phố theo nguyên tắc mức phí cao nhất thuộc 12 tuyến phố khu bảo tồn cấp I đô thị lõi quận Hoàn Kiếm và giảm dần với các khu vực xa trung tâm.

Theo đó, áp dụng phương thức thu phí theo mét vuông đối với diện tích sử dụng trông giữ phương tiện truyền thống (không ứng dụng công nghệ) và thu theo tỷ lệ phần trăm doanh thu đối với diện tích sử dụng ứng dụng thông minh iParking.

Hà Nội tăng phí sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện từ 50 - 300%. Ảnh minh họa: Huy Hùng - TTXVN

Nguyên tắc xác định mức thu phí được xác định cụ thể như sau: Mức thu cao nhất tại một số tuyến phố trong khu vực lõi tại quận Hoàn Kiếm, giảm dần từ khu vực trung tâm hướng ra các tuyến phố vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3.

Mức thu tại các quận cao hơn các huyện và thị xã Sơn Tây. Mức thu phí đối với sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ xe ô tô cao hơn sử dụng để trông giữ xe máy.

Mặt khác, thành phố chỉ điều chỉnh tăng mức thu phí đối với các tuyến phố thuộc địa bàn các quận nằm trong đường vành đai 3 và quận Long Biên, giữ nguyên mức thu phí đối với các tuyến phố nằm ngoài vành đai 3 và tại các huyện, thị xã Sơn Tây.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang triển khai 88 dự án bến bãi đỗ xe ngầm thông minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên mới có 20 dự án hoàn thành. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, trước mắt thành phố quyết định sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện.

Thực tế trên địa bàn thành phố còn xảy ra tình trạng nhiều điểm thu giá dịch vụ trông giữ xe cao hơn quy định, không niêm yết giá công khai minh bạch, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, theo khảo sát của đơn vị tư vấn, mức giá phổ biến của các đơn vị trông giữ xe đang cao hơn quy định của thành phố từ 1,5 - 2 lần tại khu vực từ vành đai 3 trở vào và người dân cũng chấp nhận trả mức giá này. UBND thành phố đã điều chỉnh mức giá trông giữ xe theo thẩm quyền của UBND thành phố phù hợp, tiệm cận với giá thị trường.

Từ ngày 1/5/2017, thành phố thí điểm triển khai dự án ứng dụng công nghệ thông minh iParking trong quản lý trông giữ phương tiện. Tuy nhiên, mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường hè phố mà đơn vị trông giữ nộp cho cơ quan cấp phép vẫn theo phương thức thủ công.

Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng một số cơ quan tổ chức được cấp giấy phép tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố để dừng đỗ xe cho khách đến giao dịch hoặc cho cán bộ, công chức đơn vị đã tổ chức trông giữ có thu tiền.

Nghị quyết về điều chỉnh mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện được ban hành nhằm mục đích thống nhất, bình đẳng, thực hiện lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng; giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; khuyến khích đầu tư theo quy hoạch bến bãi hầm ngầm, giàn trông giữ xe cao tầng hiện đại, tiết kiệm diện tích, phân bố đồng đều trên toàn thành phố.

* Giải pháp kinh tế góp phần giảm ùn tắc giao thông

Ông Hoàng Huy Được, tổ đại biểu HĐND huyện Ba Vì nhấn mạnh, thời gian qua, người dân rất quan tâm tới vấn đề sử dụng lòng đường, vỉa hè. Thành phố đã đầu tư ngân sách rất lớn để nâng cấp lòng đường, vỉa hè, đây là hành động cần thiết nhưng cần thể hiện sự công khai, minh bạch.

Khi nâng mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để trông giữ phương tiện, người dân quan tâm ai là người được hưởng lợi và thành phố nhận được bao nhiêu sau khi tăng phí. Ông Được gợi mở: “Thành phố nên chăng tiến hành đấu thầu thi công vỉa hè để tránh nghi ngờ về lợi ích nhóm?”.

Đáp lời ông Hoàng Huy Được, ông Nguyễn Hoài Nam, tổ đại biểu HĐND huyện Thạch Thất khẳng định, việc tăng phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện là một giải pháp kinh tế nằm trong các nhóm giải pháp để giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội.

Do vậy, không nên đặt nặng vấn đề thành phố thu được bao nhiêu sau khi tăng phí. Dù thành phố áp dụng mức giá sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè rất thấp nhưng người dân vẫn phải đóng phí rất cao khi tham gia giao thông ở đây, vì thế thu về ngân sách thành phố vẫn thấp.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, song song với việc tăng mức thu phí, UBND cần tăng cường quản lý, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm sử dụng lòng đường, hè phố không phép, sai phép để trông giữ phương tiện, làm ảnh hưởng đến trật tự đô thị, ùn tắc giao thông, thu giá trông giữ xe sai quy định và kiên quyết thu hồi giấy phép đối với các trường hợp tái phạm, góp phần đảm bảo mục tiêu trật tự xã hội, văn minh đô thị, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.

Trả lời thắc mắc của các đại biểu, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, việc điều chỉnh phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để trông giữ phương tiện là nội dung được UBND thành phố thực hiện theo Nghị quyết số 04 của HĐND thành phố.

UBND thành phố tiến hành điều chỉnh tăng giá theo giá tiệm cận thực tiễn với mức giá hiện nay đang thu. Việc tăng giá không phải lấy mục tiêu thu ngân sách làm trung tâm mà nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, bên cạnh đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các điểm đỗ xe tập trung, giảm dần lượng phương tiện đỗ xe tại hè phố.

* Sáng 5/12, 100% số đại biểu có mặt tại kỳ họp đã biểu quyết tán thành thông qua việc đặt tên và điều chỉnh độ dài của 24 tuyến đường, phố trên địa bàn thành phố năm 2017. Theo đó, Hà Nội sẽ có thêm 19 tuyến đường, phố mới và có 5 tuyến đường được điều chỉnh độ dài.

19 đường phố được tên mới nằm tại các địa phương: Quận Bắc Từ Liêm có 4 phố mới: Phố Đình Quán, phố Nguyên Xá, phố Trung Kiên, phố Văn Hội. Quận Cầu Giấy có phố Nghĩa Đô. Quận Hà Đông có 3 phố mới: Phố La Dương, phố La Nội, phố Ỷ La. Quận Hai Bà Trưng có phố Dương Văn Bé. Quận Long Biên có 3 phố mới: Phố Nguyễn Lam, phố Đào Văn Tập, phố Mai Chí Thọ. Quận Nam Từ Liêm có 3 phố mới: Phố Phùng Khoang, phố Quang Tiến, phố Nguyễn Văn Giáp.

Huyện Gia Lâm có 1 phố mới Nguyễn Mậu Tài. Huyện Quốc Oai có Phố Huyện. Huyện Thanh Trì có thêm 2 đường mới: Đường Cổ Điển, đường Quang Lai. HĐND thành phố cũng thông qua việc điều chỉnh độ dài 5 tuyến phố, gồm: Phố Phan Kế Bính (quận Ba Đình), phố Doãn Kế Thiện (quận Cầu Giấy), phố Nguyễn Khả Trạc, phố Ngô Quyền (Hà Đông), phố Từ Hoa (quận Tây Hồ).

HĐND thành phố Hà Nội cũng thông qua Nghị quyết về “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020”.

Theo nội dung Nghị quyết, mục tiêu là huy động được các nguồn viện trợ quốc tế đạt tỷ lệ tối thiểu 25% tổng chi phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào năm 2020; huy động tối thiểu 80% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp theo cơ chế, chính sách của Nhà nước vào năm 2020; hằng năm, ngoài các nguồn huy động, ngân sách thành phố bố trí kinh phí bảo đảm hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo Kế hoạch của Trung ương và thành phố; đảm bảo 100% số người có HIV có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả theo quy định vào năm 2020...

Tổng kinh phí dự kiến cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018 - 2020 là trên 488 tỷ đồng, trong đó tổng kinh phí huy động từ nguồn ngân sách thành phố đảm bảo cho hoạt động phòng, chống HIV/ADIS trong giai đoạn này là trên 76 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục