Hà Nội tập trung cao độ đẩy nhanh thực hiện dự án đầu tư công ​

12:17' - 08/04/2020
BNEWS Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thành phố tháo gỡ nhanh vướng mắc, điều chỉnh nguồn vốn của 23 dự án còn chậm sang các dự án cần thiết đang thiếu vốn.

Sáng 8/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với Ban cán sự Đảng UBND và Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố 5 năm 2016-2020 và định hướng xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, việc đầu tư công trung hạn thời gian qua đảm bảo đúng định hướng trọng tâm đầu tư của thành phố là ngân sách chỉ tập trung đầu tư vào những dự án hạ tầng kỹ thuật khung; những dự án trọng điểm có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; những dự án mang tính đặc thù nhà nước.

Đối với những lĩnh vực khác, thành phố kêu gọi, thu hút đầu tư xã hội với nhiều hình thức khác nhau. Thành phố đã tập trung nguồn lực để thực hiện ba khâu đột phá.
Nghị quyết 26 của HĐND thành phố Hà Nội ban hành cuối năm 2019 đã quyết nghị kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 với tổng mức kế hoạch vốn trung hạn là trên 107 nghìn tỷ đồng; trong đó, đầu tư cấp thành phố trên 84 nghìn tỷ đồng.
Với số vốn trên, đến nay thành phố Hà Nội đã cân đối bố trí kế hoạch trên 79 nghìn tỷ đồng, đạt 73,3% kế hoạch. Như vậy, với khối lượng thực hiện như trên là chậm, chưa đạt yêu cầu và khối lượng thực hiện tồn dư là rất lớn. Kế hoạch đầu tư phát triển năm 2020, chi đầu tư công cấp thành phố gần 22 nghìn tỷ đồng, bố trí vốn cho 207 dự án xây dựng cơ bản.
UBND thành phố đã nêu ra một số tồn tại lớn trong thời gian qua, do tác động của nền kinh tế, việc huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn không đạt được như kế hoạch đã được phê duyệt đầu tiên vào năm 2016.

Công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư, phê duyệt của một số dự án còn chậm. Một số dự án điều chỉnh nhiều lần. Một số dự án chậm tiến độ hoàn thành. Việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư hằng năm còn chậm. Vốn cho các dự án ODA không bố trí được theo tiến độ...

Những tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là các văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý cho việc thực hiện kế hoạch còn chậm được hướng dẫn và nhiều vướng mắc, thay đổi. Mặt khác, trách nhiệm, năng lực tổ chức thực thi của các đơn vị tư vấn, nhà thầu, chủ đầu tư và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã chưa cao...

Thành phố Hà Nội đặt ra kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở vốn chuyển tiếp từ giai đoạn trước, thành phố sẽ tính toán khoa học để trình HĐND thông qua nguồn vốn. Trên nguyên tắc ưu tiên các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, gồm hệ thống trục đường hướng tâm; khép kín các đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5...
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, để việc đầu tư công trong thời gian tới được đẩy nhanh, thực hiện có hiệu quả, thành phố tập trung chỉ đạo và có nhiều giải pháp mạnh hơn; chỉ đạo Bí thư các Quận ủy, Thị ủy, Huyện ủy đôn đốc chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công và các dự án trọng điểm. Việc kiểm tra đôn đốc này phải quyết liệt, có báo cáo tiến độ hàng tuần, kịp thời báo cáo về các khó khăn vướng mắc để thành phố giải quyết kịp thời.
Bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội khẳng định, thời gian qua HĐND thành phố luôn làm việc khẩn trương, thẩm định, trả lời và phê duyệt kịp thời tất cả các dự án đủ điều kiện, đủ quy trình của UBND thành phố góp phần đẩy nhanh các dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình giám sát của HĐND cho thấy, mặc dù việc phối hợp giữa các cấp, ngành với các chủ đầu tư cũng được tăng cường nhưng các thủ tục còn chậm, hướng dẫn thiếu nhất quán, dẫn đến chậm tiến độ chung. Tới đây, HĐND thành phố sẵn sàng tổ chức các kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách, bức thiết của thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, chính sách của Chính phủ và của thành phố Hà Nội khá tốt, rõ ràng, nhưng vấn đề thực hiện, phối hợp giữa nhiều đơn vị chưa được tốt. Vì vậy, tới đây vấn đề quan trọng nhất là phối hợp giữa các đơn vị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thành phố tập trung nguồn lực, tháo gỡ nhanh các vướng mắc, bố trí vốn hợp lý, thiết yếu và điều chỉnh nguồn vốn của 23 dự án còn chậm sang cho các dự án cần thiết đang thiếu vốn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo cần có sự đánh giá, rút kinh nghiệm nghiêm túc, từ đó đưa ra các đề xuất kiến nghị với Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn; dự kiến kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố lên mức trên 35% để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội Thủ đô; đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công 2019 và kịp thời sửa đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại các văn bản pháp quy có liên quan đến đầu tư công, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị HĐND thành phố căn cứ tình hình tổ chức kỳ họp bất thường xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đầu tư công để phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê chuẩn các giải pháp tài chính đặc thù như sử dụng nguồn kết dư ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, cải cách tiền lương, bổ sung nguồn vốn cho đầu tư công...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu quyết tâm, ngoài việc đề xuất kiến nghị với Trung ương để tháo gỡ khó khăn thì trước hết các cấp, các ngành và quận huyện thành phố phải chủ động vào cuộc quyết liệt, cao độ, với tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt các Ban quản lý cần kiện toàn nhân sự, xem xét năng lực, phẩm chất của những cán bộ tham gia công việc quan trọng, không để bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả; lựa chọn các nhà thầu có năng lực trong thực hiện các dự án đầu tư công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục