Hà Nội: Tết an toàn thực phẩm, hàng hóa không lo thiếu- Bài 1

10:50' - 26/01/2018
BNEWS Do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao trong dịp cuối năm, nên lực lượng chức năng liên tục kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong những cận Tết này nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, nhất là các mặt hàng tươi sống, bia nước giải khát, bánh kẹo...

Đây cũng là cơ hội để các đối tượng sản xuất, tiêu thụ hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hoạt động mạnh; đồng thời lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nhiều cở sở kinh doanh cũng lợi dụng găm hàng để tăng giá.

Trước tình hình này, Sở Công Thương Hà Nội đã có nhiều biện pháp để nhân dân đón Tết Mậu Tuất 2018 trong không khí an toàn, tiết kiệm không lo thiếu hàng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bài 1: Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm những ngày cận Tết

Do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao trong dịp cuối năm, nên lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nôi liên tục kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này khiến cho nhiều người dân lo lắng, khi mà dịp Tết Mậu Tuất 2018 đang cận kề.

Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh minh họa: TTXVN

*Vi phạm tăng

Thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, cũng là lúc hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tìm cách trà trộn, thâm nhập thị trường. Đặc biệt, trong những ngày gần đây liên tiếp các vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý như bơm hóa chất vào tôm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, cơ sở sản xuất mất vệ sinh, không có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Cụ thể, ngày 17/1 vừa qua, qua kiểm tra cơ sở kinh doanh thủy sản do Trần Văn Công làm chủ tại số nhà 16, ngách 299/66 đường Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), đoàn kiểm tra liên ngành quận Hoàng Mai đã bắt quả tang cơ sở này đang bơm tạp chất vào tôm. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng 100kg tôm đông lạnh cùng nhiều dụng cụ như kim tiêm, tạp chất phục vụ cho việc bơm tôm này.

Nhân viên cơ sở này Đặng Văn Toàn, xã Quất Lâm, huyện Giao Thủy, Nam Định, cho biết: “4 nhân viên thường bắt đầu công việc từ 3 giờ sáng, mỗi giờ bơm được từ 20 - 30 kg tôm. Tạp chất là một loại bột màu trắng được hòa vào nước đun sôi, để nguội cho đóng băng rồi bơm vào phần bụng của con tôm, sao cho tôm căng, mọng và tăng trọng lượng”.

Đây không phải là vụ phát hiện vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đầu tiên năm 2018 của lực lượng chức năng. Ngày 16/1, qua kiểm tra, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã phát hiện cơ sở chế biến thực phẩm Anh Phương cụm 2, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khi đoàn kiểm tra ập đến, nhiều công nhân tham gia công đoạn cuối là đóng gói thành phẩm nhưng không đeo găng tay, không dùng khẩu trang theo quy định. Xưởng sản xuất chật chội, nền nhà nhớp nước, cách bố trí nguyên liệu, thành phẩm lộn xộn.

Toàn bộ kho nguyên liệu, bao bì, kể cả thành phẩm đều không phân khu riêng mà để chung, dụng cụ sản xuất nhiều nấm mốc. Không chỉ có vậy, cơ sở sản xuất không xuất trình được Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất...

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã đình chỉ sản xuất của cơ sở này và chỉ cho phép hoạt động trở lại sau khi hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ theo quy định cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng sản xuất.

*Kiểm soát từ nguồn đến thị trường

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao trong dịp Tết, Hà Nội không để khan hàng, sốt giá, nhất là hàng hóa phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, ngay từ những ngày trước Tết, Sở Công Thương và Ban Kinh tế - ngân sách của HĐND đã đi kiểm tra các đơn vị sản xuất, công tác trữ hàng hóa của các doanh nghiệp phải đảm bảo yêu cầu và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, Tổng Công ty tập trung vào khai thác hàng hóa từ 3 nguồn chính; trong đó chú trọng đối với các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam chất lượng cao, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường, văn minh thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự và an toàn phòng chống cháy nổ tại các địa điểm bán hàng.

Theo ông Vương Trọng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội, Công ty đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm lên hàng đầu nên đã áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu được đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, công ty tiếp tục vận hành hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2005 và hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 để đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Nguyễn Đắc Lộc cho biết, thời điểm áp Tết Mậu Tuất 2018, lượng tiêu thụ hàng hóa nói chung, thực phẩm nói riêng sẽ tăng cao. Đối với các cơ sở sản xuất lớn có uy tín được kiểm soát tốt nhưng tại các cơ sở sản xuất theo mùa vụ thì nguy cơ thực phẩm mất an toàn là rất cao.

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất "chui" theo mùa vụ này lại có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng. Mặc dù, các cơ quan chức năng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, buôn bán, vận chuyển thực phẩm không an toàn.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần phải nói không với những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đừng ham rẻ mà lựa chọn thực phẩm kém chất lượng.

Thực tế cho thấy, để ngăn chặn thực phẩm “bẩn”, các quận, huyện đều thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhưng có một số đoàn chưa làm hết trách nhiệm của mình. Nguyên nhân là do một số nội dung trong văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất và chưa đầy đủ.

Phòng kiểm nghiệm tuyến thành phố chưa đáp ứng yêu cầu phân tích một số chỉ tiêu hóa lý, chất cấm, chất tồn dư có nguy cơ cao trong thực phẩm nông lâm thủy sản. Đa phần cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ, thường xuyên biến động...

Nam Giang

Bài 2: Đảm bảo đủ hàng, giá không tăng trong dịp Tết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục