Hà Nội thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng không khí

09:14' - 24/05/2022
BNEWS UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Ô nhiễm môi trường không khí trong cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng đang có diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng, gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của người dân.

 

Mặc dù các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã tích cực triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, song, một số nhiệm vụ chưa đạt tiến độ, chất lượng không khí vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội triển khai "Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh" theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn 5 năm (2021-2025),  hoàn thành trong năm 2022.

Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành kiểm kê, lượng hóa được các nguồn ô nhiễm không khí và đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ. Sở đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng, giao thông, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường; áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động đối với các công trình xây dựng vi phạm, không che chắn phát tán khói bụi ra môi trường…

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện và vận hành ổn định, liên tục hệ thống quan trắc chất lượng không khí nhằm cung cấp kịp thời thông tin cho người dân trên địa bàn Thủ đô.

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra các điểm đổ, tập kết chất thải rắn xây dựng và các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình xây dựng có quy mô lớn trên địa bàn các quận.

Thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng kiên quyết áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng vi phạm, để phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường và đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định.

Sở Giao thông Vận tải triển khai hiệu quả Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030".

Trên cơ sở thông tin chất lượng không khí của thành phố, Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND thành phố phương án phân luồng, hạn chế giao thông trong những ngày không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Cũng theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo đảm xóa bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố trong năm 2022; Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố;

Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng nơi quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra tình trạng sử dụng bếp than tổ ong và đốt rơm rạ trên địa bàn.

Mới đây, tại hội thảo trực tuyến "Quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội - Thực trạng các nguồn gây ô nhiễm và giải pháp", các chuyên gia trong và ngoài nước, doanh nghiệp, nhà quản lý đã chia sẻ các giải pháp hỗ trợ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại Hà Nội.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Anh Lê, Trưởng nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị, các cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải, nhất là các nguồn thải lớn;

Lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để giám sát. Mặt khác, cần thúc đẩy các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm không khí.

Cũng theo đề xuất của chuyên gia môi trường cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, Hà Nội cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch. Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, thành phố đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị; kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải, dừng vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải.

Đồng thời, Hà Nội cần phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành; đẩy nhanh tiến độ di chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để dành đất phát triển không gian xanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục