Hà Nội tiếp tục di dời các hộ dân ra khỏi khu tập thể nguy hiểm cấp D

19:55' - 07/09/2024
BNEWS Các đơn vị chức năng và phường Thụy Khuê đã có mặt tại khu tập thể P16A phố Thụy Khuê - công trình nguy hiểm cấp D để vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn.

Chiều 7/9, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về việc chủ động ứng phó với diễn biến và tính chất nguy hiểm, phức tạp của cơn bão số 3, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cùng các đơn vị chức năng và phường Thụy Khuê đã có mặt tại khu tập thể P16A phố Thụy Khuê - công trình nguy hiểm cấp D để vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn.

 

Lãnh đạo phường Thụy Khuê cho biết, ngay từ ngày 6/9, lực lượng chức năng phường đã tổ chức vận động các hộ dân sơ tán ra khu vực khác nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân đang sinh sống tại khu tập thể P16A.

Sau khi tiến hành vận động, 14 hộ dân đã đồng ý tạm thời di dời ra khỏi khu tập thể để phòng chống bão số 3. Trong đó có 8 hộ di dời sang ở Trung tâm Phát triển Phụ nữ; 6 trường hợp di chuyển về nhà người quen ở tạm. Được biết, Khu tập thể P16A được xây dựng hơn 50 năm.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, UBND phường Thụy Khuê xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí thuê chỗ ở cho người dân phải sơ tán do ảnh hưởng của bão số 3.

Chủ trì cuộc họp nhanh về công tác chuẩn bị, ứng phó với bão số 3 với các đơn vị chức năng trên địa bàn quận, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ đề nghị các đơn vị không được chủ quan với những diễn biến phức tạp của bão số 3.

Đáng chú ý, đêm 7/9, thời điểm quan trọng nhất khi bão đổ bộ vào Thủ đô, các lực lượng chức năng cần phải ứng trực 100% quân số, phương tiện sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ đột xuất, nhiệm vụ phát sinh.

Trước đó, tối 6/9, UBND quận Hoàng Mai cùng các đơn vị liên quan và UBND phường Tân Mai đã di dời 48 hộ dân với 160 nhân khẩu ở chung cư A7 Tân Mai (khu nhà 5 tầng đã xuống cấp thuộc nhóm nguy hiểm cấp C) đến Trường tiểu học Tân Mai để đảm bảo an toàn cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng cho biết, người dân đến tạm ở Trường Tiểu học Tân Mai đều được chính quyền chuẩn bị sẵn các nhu yếu phẩm như mì tôm, nước uống, chăn chiếu...; đồng thời, các hội, đoàn thể tích cực hỗ trợ người dân.

Cũng trong ngày 7/9, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh dẫn đầu đoàn công tác đến Bệnh viện Bạch Mai thăm hỏi, động viên và tặng quà anh H.S.L, nạn nhân bị cây đổ khi đi trên đường Nguyễn Hữu Thọ chiều 6/9. 

Như tin đã đưa, chiều 6/9, do ảnh hưởng của mưa dông trước bão số 3 (bão Yagi), một cây phượng trên đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) bật gốc, bất ngờ đổ xuống lòng đường. Vụ việc khiến chị L.T.T, sinh năm 1983 (quê Thanh Hóa) ngồi sau xe máy tử vong tại chỗ.

Anh H.S.L (em chồng) sinh năm 1991, người cầm lái bị thương được lực lượng chức năng phường Hoàng Liệt đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Gia đình anh L hiện sống tại Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, thuộc địa bàn phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.

Cùng ngày, Đoàn công tác quận Hoàng Mai đi kiểm tra chỗ ăn, ở của 25 hộ dân phường Hoàng Liệt phải di dời chống bão trong tối 6/9. Tại đây, lãnh đạo quận đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và chỉ đạo phường Hoàng Liệt phải tập trung tối đa nhân lực chăm lo cho người dân.

Bí thư Quận ủy quận Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh động viên bà con yên tâm trú bão, hết bão sẽ có xe đưa mọi người về lại nhà. Chính quyền sẽ bảo vệ nhà cửa, tài sản cho bà con.

Qua trực tiếp khảo sát Khu tập thể cao tầng cũ A7 Tân Mai chứng kiến sự xuống cấp, mức độ rất nguy hiểm của khu tập thể có thể đổ sập bất cứ lúc nào, nhất là khi mưa bão, Bí thư Quận ủy quận Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh đôn đốc các đơn vị tham mưu, đề nghị thành phố sớm giao chủ đầu tư có năng lực thực hiện đầu tư xây dựng dự án cải tạo khu tập thể cũ Tân Mai, trong đó có khu nhà A7.

Khu tập thể cao tầng cũ A7 Tân Mai được xây dựng từ năm 1984 theo công nghệ lắp ghép với quy mô 5 tầng và 1 cầu thang bộ. Qua 40 năm sử dụng, đến nay, nhiều hạng mục của tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt có vết nứt lớn khiến toàn bộ cầu thang và chiếu nghỉ tách rời khỏi khối nhà, ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực. Mặc dù đơn vị quản lý tòa nhà đã cho lắp hệ thống giàn giáo thép nhằm gia cố, chống đỡ tạm thời nhưng nguy cơ đổ sập rất lớn, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác chống bão tại các địa điểm xung yếu, ngoài đê sông Hồng.

Lãnh đạo quận Hoàng Mai yêu cầu 14/14 phường có chế độ báo cáo định kỳ về Thường trực Quận ủy vào 4 khung giờ trong ngày và báo cáo bất thường ngay khi phát sinh sự cố. Thường trực Quận ủy yêu cầu lãnh đạo tất cả các đơn vị trực thuộc đều kích hoạt chế độ thường trực và Chánh Văn phòng Quận ủy được giao kiểm tra hành chính.

Ngày 7/9, trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo người dân thành phố không nên ra khỏi nhà, để tránh rủi ro, thiệt hại.

Trước đó, trong các công điện, chỉ đạo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...

Người đứng đầu chính quyền Thủ đô đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra, tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc trong công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục